Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội được quy định trong BLHS và do toà án áp dụng đối với người phạm tội
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội được quy định trong BLHS và do toà án áp dụng đối với người phạm tội (Điều 26 BLHS).
Từ khái niệm trên cho thấy, hình phạt có những đặc điểm sau:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, bởi vì hình phạt tước bỏ người bị kết án những quyền và lợi ích thiết thân của họ. Đó là quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền tự do về thân thể, thậm chí cả quyền sống của người phạm tội.
Mặt khác, hình phạt bao giờ cũng để lại cho người bị kết án một hậu quả pháp lý - đó là án tích trong một thời gian nhất định.
Hình phạt được quy định trong BLHS ở phần chung và các phần các tội phạm cụ thể. Hình phạt chỉ do Toà án nhân danh Nhà nước áp dụng trên cơ sở của bản án.
Tuy nhiên, đối với bị cáo bị kết án tử hình thì trong vòng 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nếu được chấp thuận (tức là Chủ tịch nước ra quyết định ân giảm thì người bị kết án tử hình được chuyển xuống tù chung thân), thì quyết định ân giảm của Chủ tịch nước như một bản án thậm chí có giá trị pháp lý cao nhất. Như vậy, trường hợp này có thể hiểu ngoài Toà án thì Chủ tịch nước có quyền ra bản án đối với người phạm tội- Tạp chí TAND số 11/2003 trang 22.
Nếu như vậy thì khái niệm hình phạt tại Điều 26 BLHS phải có sự sửa đổi cho phù hợp. Hình phạt chỉ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.
Nếu so sánh TNHS và hình phạt thì giữa chúng đều là trách nhiệm pháp lý - là một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự áp dụng đối với người phạm tội. TNHS có thể được áp dụng từ giai đoạn khởi tố, truy tố bởi các cơ quan có thẩm quyền là cơ quan điều tra, cơ quan Viện kiểm sát, cơ quan Toà án, nội dung rộng hơn bao gồm cả các hình phạt, các biện pháp tư pháp, án treo... Hình phạt chỉ do Toà án áp dụng ở giai đoạn xét xử.
Theo quy định tại Điều 27 BLHS thì việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội nhằm hướng tới 2 đối tượng đạt các mục đích khác nhau.
Mục đích phòng ngừa riêng hướng tới đối tượng là người phạm tội.
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống XHCN, đồng thời ngăn ngừa khả năng họ phạm tội mới.
Điều kiện tiên quyết để đạt được mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt, đòi hỏi các cơ quan chức năng quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện.
Mục đích phòng ngừa chung hướng tới đối tượng khác không phải là người phạm tội. Thông qua việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội nhằm giáo dục người khác ý thức tôn trọng pháp luật. Đồng thời giáo dục người khác có ý thức tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Để đạt được hiệu quả của mục đích phòng ngừa chung, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hoá....Trong đó đặc biệt chú trọng biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Tổ bộ
môn Luật Hình sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp
- Nội dung trong bài viết có sử dụng những
kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú
thích rõ trong bài viết).
- Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích
thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp
luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa
Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề
có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên
hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế
- Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected],
hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi
Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận