Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác
Hỏi: Bố tôi lấy mẹ tôi là vợ thứ 2 sau khi đã ly dị người vợ đầu tiên.Bố tôi có với người vợ đầu 2 người con: 1 trai, 1 gái. Sau đó sinh với mẹ tôi được chị em tôi. Sống với nhau được khoảng 8 năm thì bố mẹ tôi ly thân, mẹ tôi dẫn chị em tôi về nhà bà ngoại tôi. Bố tôi đi lấy người vợ thứ 3 có hai người con trai nhưng chưa ly hôn với mẹ tôi. Tuy mẹ tôi ly thân bố tôi và bố có vợ mới nhưng bà nội tôi trước khi mất đã viết di chúc cho mẹ tôi và 2 anh chị con của bố tôi ngôi nhà và mảnh đất ở ngôi nhà đó rộng gần 600m2. Tuy nhiên ngôi nhà đó bố tôi, vợ 3, 2 em trai vẫn ở. 1 khoảng thời gian bố tôi có đi làm sổ đỏ xã cấp sổ đỏ cho bố tôi 1 sổ và anh trai lớn của bố tôi 1 sổ. Khi bố tôi mất đi bố đưa sổ của bố tôi cho 2 con trai, còn sổ kia cho anh trai tôi. Cho tôi hỏi bây giờ nhà tôi muốn chia mảnh đất đó thì mẹ tôi và chị em tôi được quyền thừa hưởng như thế nào? (Tố Nga - Ninh Thuận)
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Trong trường hợp tài sản là đất thì phải tuân theo pháp luật về đất đai
Với trường hợp của bạn, bạn không cung cấp rõ thông tin về vấn đề bà nội của bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đối với diện tích đất để lại hay không. Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành (Luật đất đai 2013), cụ thể tại Điều 188 quy định như sau:
"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Căn cứ quy định trên, việc lập di chúc của bà bạn sẽ chỉ là hợp pháp nếu bà bạn- người lập di chúc có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật đất đai. Như vậy, trong trường hợp này nếu bà bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, đất đai có tranh chấp, không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phần di chúc đối với diện tích đất này là không phù hợp với quy định của pháp luật, và sẽ được xác định là vô hiệu.Tuy nhiên, nếu bà nội bạn lập di chúc khi bà bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất đã được sử dụng ổn định, lâu dài không có tranh chấp, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật thì di chúc được đã lập được xác định là hợp pháp.
Về vấn để chia diện tích đất theo di chúc của bà bạn để lại:
Trong trường hợp bố bạn đã đi làm sổ đỏ và được xã cấp sổ đỏ cho bố bạn và anh trai cả của bạn. Theo quy định pháp luật thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất. Như vậy, nếu bố bạn đã làm sổ đỏ rồi thì người có quyền sử dụng đất được xác định là bố bạn và anh trai của bạn. Trong trường hợp này để có thể thực hiện việc chia di sản thừa kế, bạn hoặc mẹ bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bố và anh trai bạn, trong trường hợp này bạn cần có các giấy tờ cần thiết: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng mình nguồn gốc, quyền sử dụng đất thuộc bà nội bạn. Sau khi giải quyết xong vấn đề này thì mới có thể tiến hành việc chia thừa kế.
Nếu di chúc mà bà nội bạn để lại là hợp pháp theo quy định pháp luật dân sự, thì việc chia di sản thừa kế là diện tích đất này sẽ được thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005, cụ thể:
"1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”.
Như vậy trong trường hợp này, nếu mẹ bạn và bạn được chỉ định là người thừa kế theo di chúc bà nội bạn đã lập thì sẽ được hưởng phần di sản thừa kế theo ý chí của bà nội bạn đã ghi trong di chúc. Theo như bạn có cung cấp, bà bạn viết di chúc để lại đất cho mẹ bạn và 2 anh chị con của bố bạn ngôi nhà và mảnh đất ở ngôi nhà đó rộng gần 600m2 thì mẹ bạn và hai người con của bố bạn sẽ là người được hưởng thừa kế ngôi nhà và diện tích đất này. Trong trường hợp di chúc bà bạn để lại không xác định rõ phần thừa kế của từng người thừa kế này thì phần di sản là diện tích đất và ngôi nhà sẽ được chia đều cho mỗi người thừa kế, mẹ bạn cung có thể thỏa thuận với hai anh chị là con của bố bạn về phân chia diện tích đất và ngôi nhà này.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận