-->

Năng lực của pháp nhân

Pháp nhân có năng lực pháp luật kể từ thời điểm tư cách pháp nhân phát sinh. Khác với năng lực pháp luật của cá nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân do luật xác định về nội dung, phù hợp với đặc điểm của từng loại pháp nhân, thậm chí với từng pháp nhân.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Năng lực pháp luật của pháp nhân

Tính đặc biệt của pháp nhân. Pháp nhân có năng lực pháp luật kể từ thời điểm tư cách pháp nhân phát sinh. Khác với năng lực pháp luật của cá nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân do luật xác định về nội dung, phù hợp với đặc điểm của từng loại pháp nhân, thậm chí với từng pháp nhân. Chắc chắn, pháp nhân không thể có các quyền và nghĩa vụ đặc thù của cá nhân, như quyền kết hôn, quyền nhận cha, mẹ cho con, quyền nuôi con nuôi... Mỗi pháp nhân có những mục đích xác định để theo đuổi và, do đó, có khả năng có những quyền và nghĩa vụ giới hạn bởi chính các mục đích đó. Ví dụ: Sở tư pháp không có năng lực giao kết hợp đồng mua bán nông sản hàng hoá, do không có tư cách thương nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn không có năng lực phát hành cổ phiếu;...

Mục đích của các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được xác định trong điều lệ của pháp nhân. Bởi vậy, khi giao dịch với pháp nhân loại này, người thứ ba, muốn tránh khả năng giao dịch bị tuyên bố vô hiệu do không phù hợp với mục đích của pháp nhân đối tác, nên tham khảo điều lệ của pháp nhân trước khi quyết định nên hay không nên tiến hành giao kết. Cần lưu ý rằng người thứ ba luôn ở trong tình trạng buộc phải biết nội dung điều lệ của pháp nhân tư pháp, bởi trong mọi trường hợp, điều lệ này luôn được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nghĩa là được công bố cho tất cả mọi người.

Thụ hưởng tặng cho hoặc di tặng. Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, vấn đề liệu pháp nhân có năng lực giao kết hợp đồng tặng cho với tư cách là người được tặng cho hoặc năng lực chấp nhận các di tặng chưa được giải quyết rõ ràng. Theo BLDS Điều 635, cơ quan, tổ chức có thể là người thừa kế theo di chúc, nhưng không chỉ rõ đó là loại cơ quan, tổ chức nào.

Có một quy tắc được chấp nhận trong học thuyết pháp lý theo đó, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, trong khi cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Với quy tắc này, thì hẳn cơ quan hành chính Nhà nước không có quyền tiếp nhận các tặng cho hoặc di tặng. Thực tiễn, về phần mình, lại thừa nhận cho các cơ quan sự nghiệp (như trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện,…) năng lực tiếp nhận các tặng cho và di tặng, nhưng tất nhiên, với điều kiện các tài sản được tặng cho hoặc di tặng phải được khai thác phù hợp với mục đích hoạt động của cơ quan đó.

Việc nhận các tài sản tặng cho hoặc di tặng của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị có vẻ được thực tiễn thừa nhận rộng rãi hơn: Đảng cộng sản, Mặt trận Tổ quốc có quyền tiếp nhận các tài sản do các tổ chức, cá nhân khác tặng hoặc hoặc do cá nhân để lại theo di chúc.

Các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được hưởng các tặng cho và di tặng như những
cá nhân.

Năng lực hành vi của pháp nhân.

Pháp nhân không có năng lực hành vi thực. Suy cho cùng, khái niệm năng lực hành vi của pháp nhân không thể được xây dựng như một khái niệm ứng dụng được. Pháp nhân, dù được nhân cách hoá, không phải là con người cụ thể và do đó, không thể tự mình xử sự. Ngay cả các cơ quan của pháp nhân cũng chỉ vận hành thông qua vai trò của những cá nhân cụ thể đảm nhận các chức vụ cụ thể. Suy cho cùng, pháp nhân luôn phải được đại diện, từ khi được thành lập cho đến khi chấm dứt, trong tất cả các hoạt động của mình. Năng lực hành vi của pháp nhân thực ra là năng lực hành vi mà pháp nhân vay mượn của những con người mà pháp nhân hoá thân vào.

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.