Doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới và tiền dịch vụ sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa...
Hỏi: Vừa qua em đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm việc nhưng khi em sang tới Đài Loan được 3 ngày thì chị môi giới tại Đài Loan bảo em đã bị HIV và bảo em về Việt Nam để kiểm tra lại. Nhưng khi em về Việt Nam kiểm tra lại thì cả hai bệnh viện lớn nhất Hà Nội đều khẳng định em âm tính với HIV 100%.Em đã báo cho bên môi giới tại Việt Nam và họ bảo sẽ làm cho em đi lại nhưng đợi mãi mà vẫn không thấy. Giờ em muốn rút tiền về không đi nữa, liệu em có bị trừ các khoản chi phí gì không? Và em có được bồi thường danh dự của mình không? (Nguyễn Thanh - Hải Dương)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ pháp lý:
Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC Quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Nội dung phân tích:
Khi đi sang nước ngoài thì em phải nộp tiền môi giới và tiền dịch vụ:
Điểm 3 mục I Thông tư liên tịch số 16/2007: "Doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới và tiền dịch vụ sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa".
Điểm 1 Mục II: Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tiết c điểm 4 Mục II: "Phần tiền môi giới mà người lao động hoàn trả (nếu có) phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp thu một lần tiền môi giới của người lao động trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Khi thu tiền môi giới của người lao động, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động. Khoản tiền môi giới mà người lao động hoàn trả không tính vào doanh thu của doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải nộp thuế;"
Điểm 5 Mục II: Hoàn trả tiền môi giới
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.
Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điểm 1 Mục III: Tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điểm 3 Mục III: Cách thức thu nộp và hoàn trả tiền dịch vụ:a) Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng;b) Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài;c) Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật nước đến làm việc mà phải về nước trước hạn hoặc tự ý bỏ hợp đồng ở lại bất hợp pháp thì doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ của người lao động theo thời hạn hợp đồng đã ký".
Như vậy, do bạn mới sang Đài Loan 3 ngày mà đã phải trở về Việt Nam không do lỗi của bạn nên bạn sẽ được nhận lại tiền môi giới và tiền dịch vụ.
Tuy nhiên, chi phí môi giới khá khó đòi vì nó đã được công ty môi giới sử dụng vào chi phí khai thác chỗ làm, giao dịch, làm thủ tục xuất nhập cảnh, kể cả chi phí đưa đón chủ sử dụng lao động sang Việt Nam...
Theo mục 1 Phần I Nghị quyết số 03/2006: về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
"1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm... và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.1.2. Phải có hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Khi có đủ các yếu tố trên, bạn mới có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần. Nếu người môi giới không có căn cứ cụ thể từ cơ sở y tế mà nói bạn bị nhiễm HIV thì họ đã có hành vi trái pháp luật và dựa trên mức độ lan truyền thông tin đã ảnh hưởng đến danh dự của bạn. Vậy nên bạn đã có cơ sở để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận