Hỏi về việc định tội hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác

Tùy vào mức độ phạm tội mà tòa án có thể tuyên khung hình phạt căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Hỏi: Chồng em thấy trong túi của một người đi đường có tiền nên đã nảy lòng thò tay móc số tiền nhưng chưa thực hiện được là bị bắt. Mấy bạn đi chung thấy vậy bỏ chạy. Chồng em khai chỉ đi 1 mình. Số tiền người bị hại nói là 100 triệu nhưng chưa mất. Luật sư cho em hỏi như vậy chồng em phạm tội gì mức án là mấy năm? Tội chồng em có giảm nhẹ? Mức án chồng em phải lãnh là bao nhiêu? Sao 5 tháng rồi mà cũng chưa cho gặp? (Liên Thùy - Phú Yên)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

THỨ NHẤT: ĐỊNH TỘI

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đã “thò tay móc” tiền trong túi của một người đi đường. Tuy nhiên bạn không miêu tả cụ thể hành vi này diễn biến như thế nào nên chúng tôi đặt giả thiết như sau:

Trường hợp 1, chồng bạn lén lút móc tiền trong túi người đi đường.

Trong đó, lén lút ở đây được hiểu là chồng bạn cố ý thực hiện một việc làm bất minh, vụng trộm, giấu diếm không để lộ cho người khác biết, nhằm mục đích chiếm đoạt trái phép tài sản của họ. Trong trường hợp này, chồng bạn có thể phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 138 Bộ luật hình sự: Tùy vào mức độ phạm tội mà tòa án có thể tuyên khung hình phạt căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Cụ thể:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù tự sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 138 Bộ luật hình sự trích dẫn trên thì tội trộm cắp tài sản có cấu thành tội phạm vật chất, tức tội phạm này chỉ hoàn thành khi người thực hiện hành vi phạm tội gây ra hậu quả (chiếm đoạt được tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng- năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng…).

Trong trường hợp của bạn, chồng bạn chưa chiếm đoạt được tài sản của người đi đường. Đây được cho là hành vi phạm tội chưa đạt. Và theo quy định tại điều 52 Bộ luật hình sự thì:

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Đây có thể được xem là một trong những căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho chồng bạn.

Trường hợp 2, chồng bạn lợi dụng sơ hở của người đi đường, công khai chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn nhanh chóng giật lấy tài sản.

Trong trường hợp này chồng bạn có thể phạm tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự quy định. Cụ thể:

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”

Theo quy định trích dẫn trên thì tội cướp giật tài sản là tội phạm hình thức. Điều này có nghĩa dù chồng bạn chưa chiếm đoạt được tài sản của người đi đường nhưng đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản thì vẫn được coi là đã hoàn thành phạm tội cướp giật tài sản. Khung hình phạt được tuyên căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại các khoản của điều 136 Bộ luật hình sự trích dẫn trên.

Trường hợp 3, chồng bạn không dùng bất cứ thủ đoạn nào, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không thể có biện pháp nào ngăn chặn.

Trong trường hợp này có thể chồng bạn sẽ phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 137 Bộ luật hình sự. Cụ thể:

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”

Đây cũng là một tội phạm vật chất, tức tội phạm chỉ được coi là đã hoàn thành khi chồng bạn đã gây hậu quả, tức đã chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ năm trăm nghìn đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Việc định khung hình phạt sẽ căn cứ vào điều 52 đã trích dẫn trên.

THỨ HAI: Về vấn đề tạm giam, tạm giữ

Nếu chồng bạn thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì bị tạm giam theo thời hạn được quy định tại điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự:

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

.”

Trong đó, theo quy định tại khoản 3 điều 8 Bộ luật dân sự thì "tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên chúng tôi không thể khẳng định việc cơ quan điều tra tạm giam chồng bạn với thời hạn 5 tháng như hiện nay là đúng hay sai. Bạn có thể chiểu theo quy định pháp luật đã trích dẫn trên đây để xem xét và khẳng định.

Về quyền của người bị tạm giam: người được tạm giam được gặp gỡ nhân thân theo quy định tại mục 4 nghị định 98/2002/NĐ-CP. Như vậy việc cơ quan điều tra tạm giữ chồng bạn 5 tháng như hiện và không cho gặp gỡ nhân thân nay là trái quy định của pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.