Giải quyết tranh chấp lao động khi không ký hợp đồng lao động như thế nào?

Việc không ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp trên là hành vi trái quy định pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi có tranh chấp lao động.

Hỏi: Em có đi làm thêm cho một quán cà phê. Em không có ký hợp đồng nào cả. Trong thời gian làm việc, em thấy công việc em được bàn giao không đúng như lúc phỏng vấn. Vào ngày 23/7 vừa rồi em có nói xin nghĩ luôn vào ngày 5/8 vì sức khỏe không tốt nhưng đến 31/7 nhà em có việc nên không đi làm nữa em đã nghỉ luôn. Chị chủ nói sẽ hủy toàn bộ lương tháng 7 của em. Cho em hỏi chị ấy làm vậy là đúng hay sai? (Lương Anh - Hải phòng)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nguyên tắc trả lương như sau: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.

Theo như anh (chị) trình bày, chị chủ nói sẽ hủy toàn bộ lương tháng 7 của anh (chị). Theo quy định tại Điều 96 BLLĐ 2012 nêu trên thì hành vi trên của người sử dụng lao động là trái quy định của pháp luật. Nguyên tắc trả lương của người sử dụng lao động cho người lao động là trả lương đầy đủ, đúng thời hạn. Hơn nữa, theo như anh (chị) trình bày thì người sử dụng lao động không có căn cứ để không trả lương cho những ngày làm việc cho họ. Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”. Vậy, chỉ có hợp đồng dưới 03 tháng đối với công việc tạm thời thì các bên mới có thế giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Nếu công việc không có tính chất tạm thời, mà thường xuyên, liên tục và có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì các bên phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Anh (chị) trình bày rằng: khi tham gia lao động các bên không ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu công việc có tính chất tạm thời thì các bên chỉ cần giao kết bằng lời nói. Nếu công việc không có tính chất tạm thời, mà thường xuyên và có thời hạn trên 3 tháng thì bắt buộc các bên ký kết hợp đồng lao động. Việc không ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp trên là hành vi trái quy định pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi có tranh chấp. Anh (chị) có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được thanh toán tiền lương tháng 7; hành vi không ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, trên 3 tháng mà không ký kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Do anh (chị) chưa miêu tả chi tiết tính chất công việc, nên chúng tôi không đánh giá chi tiết hành vi không ký kết hợp đồng lao động của chủ cửa hàng.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.