Một quyết định hành chính bị khiếu nại chưa thể coi là một quyết định bất hợp pháp mà cần phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan, có căn cứ
Hỏi: Tôi nhận được quyết định thu hồi đất nông nghiệp của UBND tỉnh vào ngày 19/9. Nhưng do tôi vẫn đang trồng hoa màu trên diện tích đất đó nên tôi không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh và đã khiếu nại quyết định đó tới Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 26/9, tôi được trả lời là phần đất nông nghiệp của nhà tôi thuộc vào phần đất buộc phải thu hồi để mở rộng khu nghĩa trang liệt sỹ và nhà tôi sẽ được bồi thường khi UBND tỉnh thu lại phần đất đó. Nhưng nếu bây giờ tỉnh mà thu lại phần đất đó thì diện tích hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch của gia đình tôi phải làm thế nào? Nếu mức bồi thường thỏa đáng thì tôi mới để cho UBND tỉnh thu hồi đất nông nghiệp của gia đình tôi có được hay không? (Thiên Hà - Lạng Sơn) Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật hành chính Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Về mặt thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp của gia đình anh (chị) do UBND tỉnh ra quyết định thu hồi là đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật đất đai năm 2013, cụ thể:
"Điều 62: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương; b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải; c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản”.
Theo thông tin anh (chị) cung cấp phần đất của gia đình anh (chị) thuộc vào dự án quy hoạch làm nghĩa trang vì đây là lợi ích công cộng nên khi thu hồi đất gia đình anh (chị) sẽ được bồi thường số tiền đúng với giá đất nông nghiệp hiện vào thời điểm đó.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 trong quá trình khiếu nại, anh (chị) vẫn phải chấp hành quyết định hành chính mà anh (chị) khiếu nại. Vì cơ quan nhà nước khi ban hành quyết định hành chính phải dựa trên các yếu tố thực tế và căn cứ vào các quy định của pháp luật. Một quyết định hành chính bị khiếu nại chưa thể coi là một quyết định bất hợp pháp mà cần phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan, có căn cứ. Việc đánh giá quyết định đó là đúng hay không đúng thuộc quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cần phải có thời gian nhất định.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 như sau: "2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây: a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này; d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”.
Đồng thời, Điều 35 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:
"Điều 35. Áp dụng biện pháp khẩn cấp
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó”.
Như vậy, theo khoản 2 Điều 12 và Điều 35 của Luật Khiếu nại năm 2011 thì anh (chị) vẫn phải chấp hành quyết định hành chính do UBND tỉnh ban hành, trừ khi đơn khiếu nại của anh (chị) được thụ lý và cơ quan giải quyết khiếu nại xét thấy việc thi hành quyết định hành chính đó trên thực tế nếu sai phạm sẽ gây ra hậu quả khó có thể khắc phục thì cơ quan giải quyết khiếu nại sẽ ra quyết định tạm thời đình chỉ thi hành quyết định đó.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận