Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 làm việc ở vùng cao, vùng biên giới hải đảo làm việc ban đêm, làm thêm giờ,đi công tác xa.
Hỏi: Em vừa sinh con đầu lòng, cháu hiện tại mới được 07 tháng tuổi. Sau khi nghỉ hết chế độ thai sản em trở lại công ty làm việc và được thông báo sẽ bắt đầu làm thêm giờ vào tuần tới. Vậy xin hỏi luật sư, công ty em yêu cầu như vậy có đúng không? Em có thể không làm thêm được không vì cháu còn nhỏ nên em muốn dành nhiều thời gian hơn cho cháu? (Chu Thoa - Ninh Bình). Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Tại Điều 155 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về việc bảo vệ chế độ thai sản đối với lao động nữ như sau:
"1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."
Khoản 2 Điều 106 quy định về điều kiện người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm giờ như sau:"a) Được sự đồng ý của người lao động;b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ."
Căn cứ vào quy định trên, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 khi làm việc ở vùng cao, vùng biên giới hải đảo làm việc ban đêm, làm thêm giờ.
Như vậy, việc công ty yêu cầu chị (đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi) làm thêm giờ là trái pháp luật. Chị có thể từ chối yêu cầu làm thêm của công ty chị. Kể cả trường hợp chị đồng ý, thì việc làm thêm giờ là vẫn là trái luật.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận