Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung
Hỏi: Hiện tại ba má tôi muốn di chúc lại cho tôi quyền thừa kế ngôi nhà và thửa đất. Tuy nhiên vì việc đi khám sức khỏe đường xá xa xôi bất tiện cho ba má tôi nhiều do ba má tôi tuổi đã cao. Nên chỉ có ba tôi đi khám sức khỏe và bác sĩ kết luận ba tôi đủ minh mẫn để lập di chúc.Vậy tư vấn viên cho tôi hỏi ba tôi có thể đại diện má tôi để lập di chúc cho tôi không? Và cho tôi xin mẫu di chúc trong trường hợp người chồng đại diện người vợ để lập di chúc. (Thanh Thanh - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 633 quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Ngôi nhà và thửa đất là tài sản chung của bố mẹ bạn. Như vậy, bố mẹ bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc chung để lại tài sản trên cho bạn. Tuy nhiên, việc lập di chúc chung không thể chỉ do một người tiến hành mà bắt buộc phải do cả vợ và chồng cùng tự nguyện lập. Pháp luật không quy định vợ hoặc chồng có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình trong việc lập di chúc chung của vợ chồng. Theo đó, Khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc”. Vậy, ba của bạn không thể đại diện cho mẹ của bạn để lập di chúc chung của vợ chồng được.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005 về điều kiện của di chúc hợp pháp. Di chúc được coi là hợp pháp khi di chúc đó có đủ các điều kiện sau: "Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật".
Như vậy, để đảm bảo điều kiện người lập di chúc minh mẫn thì cả bố và mẹ bạn đều phải có giấy khám sức khỏe của bệnh viện cấp huyện trở lên để chứng minh vào thời điểm lập di chúc còn minh mẫn, sáng suốt.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận