Biên bản thỏa thuận chia tài sản thừa kế theo pháp luật giữa các thành viên trong gia đình phải được công chứng mới đầy đủ hiệu lực pháp luật. Biên bản họp gia đình có người làm chứng, có xác nhận của ủy ban nhân dân xã chỉ được coi là chứng thực chữ ký.
Trường hợp cụ thể của gia đình tôi như sau: Ông bà ngoại trước khi mất, có cho mẹ tôi một mảnh đất, chỉ nói miệng. Ông bà ngoại có 04 người con, 02 bác gái, mẹ tôi và cậu. Khi ông bà mất (trước năm 2012), bố tôi có họp gia đình, lập một biên bản họp về việc ông bà ngoại có cho mẹ tôi mảnh đất, có đầy đủ chữ ký và ý kiến của các thành viên trong gia đình. Có lẽ dongày trước đất đai rẻ, nên cậu và 02 bác gái không có ý kiến gì. Mẹ tôi cũng không làm thủ tục sang tên quyền sử dụng mảnh đất.
Hiện tại ông ngoại, bà ngoại, cậu cũng đã mất, còn lại 02 bác gái và mẹ. Mẹ tôi mượn sổ đỏ gốc do hai bác gái giữ, để làm thủ tục tách sổ thì các bác không giao. Mẹ tôi có làm đơn ra xã, thì các bác nói: chữ ký trong biên bản viết tay đó không phải của họ, trong khi biên bản có chữ ký làm chứng của trưởng thôn, xác nhận chữ ký là đúng, ngoài ra còn có dấu giáp lai của ủy ban nhân dân xã.
Xin hỏi, trường hợp biên bản thỏa thuận giữa mọi người trong gia đình tôi có hiệu lực pháp luật không? Nếu khởi kiện tại tòa án thì phần thắng có cao không? Tôi xin nói thêm là, mảnh đất của ông bà ngoại hiện tại chia làm 02 mảnh nhỏ, mảnh của mẹ và mảnh còn lại trước đây cậu tôi ở cùng ông bà ngoại nên sử dụng. Cả 02 mảnh đều chưa sang tên, vẫn để tên ông bà ngoại. Con của cậu tôi hiện đang ở mảnh còn lại. Ông bà ngoại cũng không để lại di chúc thừa kế. (Hà Ngọc - Nam Định)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Tư vấn pháp luật trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia di sản, có người làm chứng và chứng nhận của ủy ban nhân dân xã.
Bộ luật Dân sự năm 2005 (áp dụng đối với sự kiện gia đình anh chị lập Biên bản họp gia đình - sự kiện pháp lý xảy ra năm 2012), quy định về họp mặt những người thừa kế như sau:"1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây: (a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; (b) Cách thức phân chia di sản. 2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản" (Điều 681).
Như vậy, văn bản thỏa thuận việc phân chia di sản chỉ được tiến hành khi có mặt của tất cả những người thừa kế.
Luật Công chứng năm 2014, quy định:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản" (Điều 57)
Vậy với trường hợp anh (chị) nêu trong thư: Bố của anh (chị) muốn lập Biên bản họp gia đình như một hình thức văn bản thỏa thuận phân chia di sản giữa những người thừa kế di sản do ông bà ngoại để lại. Tuy nhiên, để văn bản này có hiệu lực pháp lý buộc phải qua thủ tục công chứng hoặc chứng thực và phải có mặt của tất cả những người thừa kế có thể mời thừa pháp lại lập vi bằng ghi nhận sự việc nếu giađình muốn. Vậy biên bản thỏa thuận chia tài sản thừa kế theo pháp luật giữa các thành viên trong gia đình cần phải được công chứng tại các văn phòng, tổ chức hành nghề công chứng mới đầy đủ hiệu lực pháp luật. Việc Biên bản họp gia đình có người làm chứng, sau đó xin dấu giáp lai của UBND xã không được coi là đã được công chứng, mà chỉ được coi là chứng thực chữ ký của các đương sự.
Tuy nhiên, Biên bản họp gia đình (về chia thừa kế không có di chúc) nêu trên đã có sự làm chứng của trưởng thôn và chứng thực của UBND xã, là chứng cứ quan trọng chứng minh đã có cuộc họp gia đình có mặt tất cả các thành viên trong gia đình và tất cả mọi thành viên đã nhất trí với nội dung biên bản và đã ký tên. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp đất đai của gia đình anh (chị) mà chúng tôi trình bày tiếp ở phần dưới đây.
Thứ hai, về việc mẹ của anh (chị) khởi kiện ra tòa án, yêu cầu công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà đất, có căn cứ pháp lý không.
Việc ông bà ngoại đã tuyên bố cho mẹ của anh (chị) mảnh đất đang ở hiện tại, thì đây được coi là hợp đồng miệng về việc tặng cho quyền sử dụng đất.Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
- Về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: "Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu" (Điều 134).
- Về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu: "Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập" (khoản 1 Điều 136).
- Về hình thức chuyển quyền sử dụng đất: "1. Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. 2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. 3. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 733 đến Điều 735 của Bộ luật này" (Điều 689).
Căn cứ các quy định nêu trên, hợp đồng miệng ông bà ngoại tặng cho mảnh đất cho mẹ của anh (chị) là vi phạm về hình thức (hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực). Tuy nhiên thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng (giao dịch dân sự) vô hiệu đã hết, ông bà ngoại cũng đã mất, do đó hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (miệng) này có hiệu lực pháp luật. Mẹ của anh (chị) khởi kiện yêu cầu công nhận hợp đồng tặng cho nhà đất (không phải chia thừa kế) là có căn cứ pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận