Bảo hộ "nhãn hiệu phi truyền thống", xu hướng tất yếu

Phạm vi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hoặc sự kết hợp các yếu tố đó... mà còn được mở rộng, cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi hương.

Những dấu hiệu đặc biệt như là: hương thơm, mùi vị, âm thanh, sự chuyển động... mà chỉ có thể được cảm nhận bởi thính giác, vị giác, khứu giác,... liệu có thể được đăng ký bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu được hay không?

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một trong những ý kiến cũng như tranh luận về các điều khoản về sở hữu trí tuệ (mới đây) là việc mở rộng phạm vi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cụ thể là nhãn hiệu hàng hóa đăng ký sẽ không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc (sau đây gọi là “Nhãn hiệu truyền thống”), mà còn được mở rộng cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương (sau đây gọi là “Nhãn hiệu phi truyền thống”).

Thực tế, trên thế giới, việc sử dụng, bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống đã sớm xuất hiện và được thừa nhận ở các nước có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển năng động như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ôxtrâylia, New Zealand... Nhưng đối với đại đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc sử dụng và bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống lại là một xu hướng khá mới.

Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề cơ bản về cơ sở, điều kiện, cách thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống có một ý nghĩa rất quan trọng. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định pháp luật của các nước trên thế giới về việc đăng ký bảo hộ đối với loại nhãn hiệu đặc biệt này.


- Cơ sở của việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống:

Xét về bản chất, nhãn hiệu chính là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Âm thanh, hình ảnh động, mùi hương cũng là những dấu hiệu vốn tồn tại khách quan, có thể cảm nhận được; bản thân chúng lại đa dạng, có sự khác nhau trong cùng một loại hình nên có thể dùng để đánh dấu và phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Do vậy, việc sử dụng các dấu hiệu phi truyền thống làm nhãn hiệu là có cơ sở và phù hợp với bản chất, chức năng của nhãn hiệu.

Xét về mặt thực tiễn, ngoại trừ một số nước đã bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống kể trên, việc sử dụng các dấu hiệu phi truyền thống hiện nay đã xuất hiện ở nhiều nước, trong nhiều lĩnh vực như: điện ảnh, giải trí, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, điện tử, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Vì thế chúng ta không còn cảm thấy xa lạ khi nghe các bản nhạc hiệu trên các chương trình giải trí, phát thanh, truyền hình. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với những hình ảnh ngộ nghĩnh, âm thanh đặc trưng mỗi khi tắt mở điện thoại di động, máy nghe nhạc kỹ thuật số… hay khi truy cập các trang mạng ưa thích. Chúng ta cũng từng bắt gặp những hình ảnh sinh động, những âm thanh mang tính biểu trưng của nhà sản xuất, phát hành khi xem các tác phẩm điện ảnh, băng đĩa giải trí. Và chúng ta cũng có thể biết đến một mùi hương đặc trưng nào đó mang tính chỉ định nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Thực tiễn này cho thấy vấn đề sử dụng nhãn hiệu phi truyền thống đã ngày càng được quan tâm. Cho nên, việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, duy trì trật tự quản lý trong lĩnh vực sử dụng nhãn hiệu là rất cần thiết và mang tính tất yếu khách quan.

- Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống:

Từ thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số nước đi trước và dựa trên những quy định chung về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu truyền thống cho thấy, việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống phải đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất, dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh, hình ảnh động, mùi hương dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Đây là điều kiện tối quan trọng khi bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Muốn thực hiện được sứ mệnh này, trước tiên bản thân dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Việc dựa vào một dấu hiệu có khả năng phân biệt để nhận diện, phân biệt và lựa chọn hàng hóa là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, muốn có khả năng phân biệt thì các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phi truyền thống cần phải nổi bật, ấn tượng, dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không mang tính miêu tả hay tính công năng. Một số dấu hiệu tuy khả năng phân biệt không cao nhưng qua thực tiễn lâu dài sử dụng được người tiêu dùng thừa nhận và đạt đến tác dụng phân biệt, chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ nên cũng có thể coi là có khả năng phân biệt.

Thứ hai, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phi truyền thống phải tồn tại dưới hình thức có khả năng cảm nhận được. Đó là dấu hiệu có thể nhìn thấy đối với nhãn hiệu hình ảnh động, có thể nghe thấy đối với nhãn hiệu âm thanh và có thể ngửi được đối với nhãn hiệu mùi hương. Như vậy, nếu nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng thị giác thì nhãn hiệu phi truyền thống (trừ nhãn hiệu hình ảnh động) lại là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng thính giác, khứu giác. Ngoài ra, do dấu hiệu âm thanh, hình ảnh động là những dấu hiệu phi vật thể cho nên một số nước còn quy định các dấu hiệu này được bảo hộ khi chúng có khả năng thể hiện dưới hình thức đồ họa.

- Cách thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống:

Từ kinh nghiệm đã làm của một số nước, việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống cũng nên được thực hiện theo cách thức đăng ký và xét nghiệm đơn giống với việc bảo hộ nhãn hiệu truyền thống.

Trong đó ở giai đoạn đăng ký, người nộp đơn phải lựa chọn hoặc tạo ra được dấu hiệu phi truyền thống đáp ứng yêu cầu làm nhãn hiệu; xác định được danh mục hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu. Sau đó người nộp đơn phải hoàn thiện hồ sơ đơn và nộp cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Trong giai đoạn xét nghiệm đơn, cơ quan đăng ký nhãn hiệu tiến hành các bước thẩm định hình thức, thẩm định nội dung để xác định phạm vi bảo hộ nhằm trao quyền nhãn hiệu.

Do dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phi truyền thống đều có tính phi vật thể, kênh nhận biết của từng loại dấu hiệu này lại khác hẳn với nhãn hiệu truyền thống, cho nên khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống cần lưu ý một số điểm khác biệt sau:

Đối với nhãn hiệu âm thanh: Người nộp đơn cần phải thể hiện âm thanh dưới hình thức một khuông nhạc được chia thành các gạch nhịp cùng các ký hiệu âm nhạc để có thể xác định được độ trầm bổng, độ ngân vang của nó. Đồng thời họ cần chỉ ra phương thức cũng như công cụ dùng để thể hiện âm thanh đó. Ngoài ra, âm thanh cũng có thể ghi vào vật ghi để nộp kèm theo đơn. Việc này sẽ đặc biệt cần thiết đối với những âm thanh không có khả năng thể hiện bằng khuông nhạc.

Đối với nhãn hiệu hình ảnh động trên giao diện điện tử: Người nộp đơn cần phải thể hiện hình ảnh động dưới dạng một chuỗi các hình ảnh được bố trí theo thứ tự thay đổi, ẩn hiện, biến động của nó. Họ còn phải nộp kèm theo bản mô tả để giải thích các hình ảnh nối tiếp nhau diễn tả điều gì. Ngoài ra, vật ghi dữ liệu hình ảnh động kèm chương trình thể hiện nó cũng rất có ý nghĩa để xác định hình ảnh này.

Đối với nhãn hiệu mùi hương: Người nộp đơn cần phải mô tả dấu hiệu mùi hương sao cho người tiêu dùng bình thường có thể hiểu được, nộp bản mô tả đó kèm theo đơn đăng ký nhãn hiệu. Họ có thể bị yêu cầu phải nộp kèm theo hình ảnh hoặc sản phẩm thực của sản phẩm sử dụng nhãn hiệu mùi hương đó.

Tóm lại, bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tuy có điểm giống với bảo hộ nhãn hiệu truyền thống, nhưng do tính chất chất đặc thù của nó nên bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống cũng có những điểm khác biệt nhất định về điều kiện, cách thức bảo hộ. Đây chính là nội dung cần quan tâm khi xem xét đưa vấn đề bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống vào quy định, điều chỉnh trong luật.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng vì mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].