Một số nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ và sử dụng rộng rãi trên thế giới như: Tiếng gầm của sư tử mở đầu cho phim của hãng MGM (Hoa Kỳ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan), tiếng sấm rền của hãng môtô Harley – Davidson (Hoa Kỳ)...
"Nhãn hiệu âm thanh", hiểu thế nào cho đúng?
Nhãn hiệu âm thanh là loại nhãn hiệu chỉ nghe mà không nhìn thấy được. Âm thanh có thể là các tiếng chuông, tiếng cồng đặc biệt, một giai điệu hay tập hợp một số nốt nhạc… Đa phần các hiệp ước quốc tế hiện nay liên quan đến sở hữu trí tuệ đều có định nghĩa về nhãn hiệu bao gồm cả dấu hiệu âm thanh hoặc ít nhất không loại trừ loại nhãn hiệu này khỏi sự bảo hộ. Do sự phát triển nhanh chóng của loại nhãn hiệu này nên ngoài Hoa Kỳ, các nước như Anh, Đức, Ý, New Zealand, Nhật Bản và một số nước khác đã nhanh chóng đưa vào luật nhãn hiệu của mình quy định về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.Một dấu hiệu âm thanh chỉ tạo từ một hay hai nốt nhạc, hay các âm thanh mô tả lĩnh vực, tính năng, tác dụng hay chất lượng của sản phẩm/dịch vụ liên quan thường không được chấp nhận bảo hộ. Tương tự các bản nhạc thường được sử dụng rộng rãi nhiều người biết đến hàm chỉ một số sản phẩm hay dịch vụ nào đó cũng khó được chấp nhận là nhãn hiệu độc quyền cho một ai. Một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh hay một tập hợp nốt nhạc quá dài cũng thường không được chấp nhận làm nhãn hiệu, thậm chí chúng có thể quá quen đối với công chúng nhưng không có nghĩa chúng có đủ khả năng phân biệt để thực hiện chức năng một nhãn hiệu.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu âm thanh nói chung cũng áp dụng như đối với nhãn hiệu truyền thống, tuy vậy mẫu nhãn hiệu âm thanh trong đơn đăng ký thường được yêu cầu thể hiện bằng các nốt nhạc cụ thể trên khung nhạc, kèm với đó là một đĩa CD hay một vật mang điện tử thể hiện âm thanh của nhãn hiệu đó nhằm phục vụ cho việc xem xét, thẩm định, ghi nhận và công bố nhãn hiệu.
Có thể nêu một số ví dụ về nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ và sử dụng rộng rãi trên thế giới như: Tiếng gầm của sư tử mở đầu cho phim của hãng MGM (Hoa Kỳ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan), tiếng sấm rền của hãng môtô Harley – Davidson (Hoa Kỳ) hoặc bốn nốt nhạc lên xuống trầm bổng của hãng dược phẩm HISAMITSU (Nhật Bản)…
Điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Ở Hoa Kỳ, dấu hiệu âm thanh muốn được đăng ký bảo hộ tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ (USPTO) phải đáp ứng được 02 điều kiện về tính chức năng và khả năng phân biệt.Thứ nhất, điều kiện về tính chức năng: Dấu hiệu xin đăng ký là một tổng thể, hay chỉ là một đặc điểm có tính chức năng? Nếu dấu hiệu này chỉ là một đặc điểm có tính chức năng thì sẽ không được đăng ký bảo hộ như một nhãn hiệu. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng một đặc điểm của nhãn hiệu xin đăng ký bảo hộ có tính chức năng nếu nó “cần thiết cho việc sử dụng hoặc cho mục đích của sản phẩm hoặc ảnh hưởng đến giá thành hoặc giá trị của sản phẩm”.
Các nhân tố để quyết định tính chức năng như: Có phải sáng chế hữu ích? Có nhằm quảng cáo - lợi ích thực tiễn? Có phải là thiết kế thay thế? Có khiến phương pháp sản xuất đơn giản và rẻ hơn? Tuy nhiên, không cần phải dựa trên tất cả các nhân tố kể trên mới đủ để quyết định đặc điểm đó có tính chức năng đối với hàng hóa hay không, cụ thể là tùy thuộc vào từng trường hợp, một số hoặc tất cả các nhân tố có thể cùng tồn tại.
Thứ hai, điều kiện về khả năng phân biệt: Nếu dấu hiệu này không có tính chất chức năng, nó có tính phân biệt không? Cụ thể là: Bản chất có khả năng tự phân biệt hay đạt được khả năng phân biệt hay không? Một số nhãn hiệu phi truyền thống có thể về bản chất có khả năng phân biệt. Ví dụ, các nhãn hiệu âm thanh có thể mang khả năng phân biệt về bản chất nếu chúng là “ngẫu nhiên, độc đáo và có khả năng phân biệt và có thể được sử dụng nhằm tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe và khi bắt gặp lại, người nghe có thể nhận ra rằng một sản phẩm hoặc dịch vụ đó xuất phát từ một nguồn gốc cụ thể, dù không rõ tên nguồn”.
Những lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu âm thanh như sau: (i) Yêu cầu bản vẽ không áp dụng đối với nhãn hiệu âm nhạc; (ii) Nếu một nhãn hiệu chứa âm nhạc hoặc từ ngữ kèm âm nhạc, người nộp đơn phải nộp bản nhạc để lưu lại như bản mô tả nhãn hiệu HOẶC như một mẫu vật; (iii) Để minh họa rằng nhãn hiệu âm thanh thực sự chỉ dẫn và phân biệt các dịch vụ và chỉ dẫn nguồn gốc của chúng, mẫu vật nên chứa một phần đầy đủ về nội dung âm thanh để thể hiện bản chất của nhãn hiệu.
Một số nhãn hiệu âm thanh đã được cấp tại Hoa Kỳ bởi USPTO: Âm thanh là giọng người đang hát từ âm trầm ngân lên âm cao từ “YAHOO” thuộc chủ sở hữu Yahoo!, Inc và nhãn hiệu gồm ba mươi (30) nốt nhạc (B giáng 3, E giáng 4, D4, C4, B giáng 3, G3, B giáng 3, E giáng 4, E giáng 4, D4, C4, D giáng 4, D4, D4, D4, B giáng 3, C4, B giáng 3, D4, D4, B giáng 3, C4, G3, G3, B giáng 3, B3, C4, D4, E giáng 4 và G4. Nhãn hiệu có bài nhạc nền là giại điệu Merrie) thuộc chủ sở hữu Công ty giải trí Time Warner.
Khi gia nhập hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ. Hiệp định này đã mở rộng phạm vi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cụ thể là nhãn hiệu hàng hóa đăng ký sẽ không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, mà còn được mở rộng cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đối, bổ sung năm 2009) của Việt Nam, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện: là dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt. Như vậy, Việt Nam mới chỉ có cơ chế bảo hộ đối với những nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được. Còn mùi vị và âm thanh, pháp luật chưa hề có cơ chế bảo hộ. Để đảm bảo sự tương thích pháp luật khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP, các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam khi đó có thể được sửa đổi, bổ sung.
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận