-->

Ai là người ra quyết định thôi việc và thanh toán trợ cấp cho Chủ tịch Hội đồng quản trị?

Điều kiện hưởng, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thôi việc được xác định theo Điều 48 Bộ luật lao động 2012.

Hỏi: Tôi được cử làm tổ trưởng tổ đại diện 51% vốn nhà nước Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại Công ty cổ phân ĐMKN và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hàng tháng lương do công ty ĐMKN trả, Tổng công ty chi trả phụ cấp. Đây là công ty cổ phần nhà nước chi phối. Ngày 18/06/2016 tổng công ty đã bán phần vốn này cho cá nhân khác và họ đã nhận, đồng thời tổ chức lại công ty. Tôi đã 57 tuổi và có 34 năm tham gia công tác. Vậy đối với tôi ai ra quyết định cho thôi việc và thanh toán trợ cấp thôi việc? (Mỹ Dung - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Tổng công ty là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định này (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 69/2014/NĐ-CP). Như vậy, có thể hiểu Công ty ĐMKN là công ty con do công ty mẹ (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) nắm quyền chi phối.

Theo đó, khi Tổng công ty đã bán phần vốn cho cá nhân khác, đồng thời tổ chức lại công ty thì những thành viên thuộc Hội đồng quản trị nếu không đồng ý để anh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm anh theo điểm i khoản 2 Điều 149 Luật doanh nghiệp 2014: “2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; b) Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; c) Quyết định bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác; d) Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty; đ) Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật này; e) Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật; g) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng và giao dịch quy định, tại điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 1 và khoản 3 Điều 162 của Luật này; i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;”.

Tuy nhiên, khi Hội đồng quản trị miễn nhiệm, bãi nhiệm anh thì anh sẽ thôi không giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty ĐMKN nhưng anh vẫn là cổ đông của công ty này. Trong trường hợp người nhận chuyển nhượng phần vốn của Tổng công ty tổ chức lại công ty mà anh không muốn tiếp tục làm việc nữa thì anh sẽ thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp 2014.

Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán (Khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp).

Về vấn đề trợ cấp thôi việc

Theo Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có quy định như sau: “1. Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động và các quy chế của người sử dụng lao động đã ký kết hoặc ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các bên có liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các thủ tục ban hành theo đúng quy định tại Nghị định này. 2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó”.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 2 nêu trên, người sử dụng lao động hiện tại sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho anh. Điều kiện hưởng, mức hưởng và thời gian hưởng được xác định theo Điều 48 Bộ luật lao động 2012 về trợ cấp thôi việc: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.