BLTTDS 2015 ghi nhận Tòa án có thẩm quyền công nhận hòa giải thành ở cấp cơ sở theo thủ tục việc dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án của đương sự một cách nhanh gọn, kịp thời.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) bổ sung những quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, đây là quy định mới so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 (BLTTDS 2005). Với việc BLTTDS 2015 ghi nhận Tòa án có thẩm quyền công nhận hòa giải thành ở cấp cơ sở theo thủ tục việc dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thànhoài Tòa án của đương sự được thuận lợi, chính xác, nhanh chóng và kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích của các đương sự trước Tòa. Quy định của pháp luật về yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Theo quy định tại Điều 416 BLTTDS thì: “Kết quả vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”. Như vậy, tất cả những vụ việc dân sự đã được hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải( như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Luật đất đai, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) nếu muốn được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì người yêu cầu làm đơn yêu cầu gửi Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành là các bên có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Tuy nhiên, không phải kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nào cũng được yêu cầu Tòa án công nhận. BLTTDS năm 2015 quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục để Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, việc quy định như vậy sẽ tránh việc công nhận kết quả hòa giải thành có sai sót, ngăn ngừa việc hòa giải không đúng pháp luật.
Các vụ việc dân sự đã được hòa giải thành nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trong trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iii) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. (iv) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Khi đáp ứng được đủ những điều kiện nói trên thì chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành, người yêu cầu công nhận phải gửi đơn đến Tòa án; kèm theo đơn yêu cầu phải có văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành
Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành phải có đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu gồm những nội dung sau: (i) Ngày tháng năm làm đơn; (ii) Tên Tòa án có thẩm quyền xét đơn yêu cầu; (iii)Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; (iv)Tên, địa chỉ của những người có liên quan (nếu có); (v) Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải; (vi) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận; (vii) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết; (viii) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
(i) Nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
Người có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có thể lựa chọn hình thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến. Sau khi nhận tiếp nhận đơn thì Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn.
Thủ tục xử lý đơn yêu cầu: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Việc xem xét công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án do một Thẩm phán giải quyết.Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu sửa đổi bổ sung trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu người yêu cầu thực hiện đầy đủ thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Nếu quá thời hạn mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung thì trả lại đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo cho họ.
(ii) Nộp lệ phí
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, nếu đủ điều kiện thụ lý thẩm phán phải ra thông báo về việc nộp lệ phí. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người có yêu cầu phải tiến hành việc nộp lệ phí tại cơ quan THA, trừ trường hợp người có yêu cầu là người được miễn hoặc không phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
(iii) Tòa án thụ lý đơn yêu cầu
Khi người yêu cầu nộp biên lai thu tiền lệ phí đến Tòa án, Tòa án sẽ thụ lý đơn.Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
Những trường hợpTòa án trả lại đơn yêu cầu: (i) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; (ii) Sự việc yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; (iii) Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; (iv) Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định; (v) Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; (vi) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu; (vii) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(iv) Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc xét đơn yêu cầu, cho VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
(v) Phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp. Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.
Thành phần tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu: (i) Kiểm sát viên VKS cùng cấp, trường hợp KSV vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp; (ii) Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; Nếu người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét đơn yêu cầu vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm; (iii) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.
Trình tự tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu: (i) Thư ký báo cáo sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp; (ii) Thẩm phán chủ tọa khai mạc phiên họp, kiểm tra về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập, kiểm tra căn cước của họ, giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp; (iii) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về những vấn đề yêu cầu giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu; (iv) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan trong việc xét đơn yêu cầu; (v) Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định; giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn( nếu có); (vi) Thẩm phán, Hội đồng xem xét tài liệu, chứng cứ; (vii) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát và gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự ngay sau khi kết thúc phiên họp; (viii) Thẩm phán, Hội đồng xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu; (ix) Trường hợp có người được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp vắng mặt thì Thẩm phán, Hội đồng cho công bố lời khai, tài liệu chứng cứ do người đó cung cấp trước khi xem xét tài liệu, chứng cứ.
(vi) Ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành
Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có các nội dung chính sau: (i) Ngày, tháng, năm ra quyết định; (ii)Tên Tòa án ra quyết định; (iii) Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp; (iv) Tên, địa chỉ của người yêu cầu xét đơn yêu cầu;(v) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết; (vi) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; (vii) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu; (viii) Căn cứ pháp luật để giải quyết việc dân sự; (ix) Quyết định của Tòa án; (x) Lệ phí phải nộp;
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc xét đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận