-->

Xử lý trường hợp viên chức xin nghỉ quá thời hạn xin phép

Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Hỏi: Cơ quan tôi là cơ quan nhà nước (đơn vị sự nghiệp công lập). Cơ quan tôi có viên chức viết đơn xin nghỉ việc không lương 01 năm (bắt đầu từ 01/7/2014, vì lý do công việc riêng, không ốm đau, không trong thời gian thai sản). Đơn vị đã đồng ý và ra Quyết định nghỉ việc không hưởng lương cho viên chức bắt đầu từ 01/7/2014. Đến nay đã hết thời hạn 01 năm viên chức ấy không quay trở lại làm việc, cũng không có trao đổi gì thêm với đơn vị. Tôi có nghiên cứu về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, tôi muốn hỏi trong trường hợp này đơn vị tôi áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng pháp luật không? Thời hạn 15 ngày quy định tại Điều 33 của Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 có tính cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật không? Theo Điều 38 của Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 đơn vị phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày, 45 ngày này tính ngày đi làm hay tính cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật? Nếu đơn vị áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì trong trường hợp này đơn vị cần phải làm những thủ tục gì, có phải thực hiện chế độ trợ cấp gì cho viên chức ấy không? (Nguyễn Hữu - Tây Nguyên)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo như dữ liệu anh (chị) cung cấp thì người này xin nghỉ 1 năm không lương và được cơ quan đồng ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 28 luật viên chức 2010 thì việc tạm hoãn thực hiên hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động vì vậy đây thuộc khoản 5 điều 32 bộ luật lao động. do đó sau khi hết thời gian tạm hoãn người lao động phải trở lại làm việc trong thời hạn 15 ngày theo điều 33, nếu người lao động không quay trở lại thì cơ quan có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo điểm d khoản 1 điều 38.

"Điều 28. Thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc

3. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động".

"Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự. 2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. 3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. 4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này. 5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận".

"Điều 33. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác".

"Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng".

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.