Hành vi vứt bỏ đứa trẻ mới sinh của người mẹ là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xử lý hình sự thì phải có hậu quả chết người xảy ra. Nếu sau khi vứt bỏ mà đứa bé không tử vong thì chỉ có thể xử lý về hành chính hoặc lên án về mặt đạo đức.
Hỏi: Ở xóm tôi có một người phụ nữ chưa có chồng nhưng đã mang thai. Do bạn trai cô ta nhất định không nhận con và do hoàn cảnh khó khăn nên cô ta đã vứt bỏ đứa trẻ mới sinh. Đề nghị Luật sư tư vấn, hành vi này có phạm tội không? (Bùi Hiền Thương - Thanh Hóa)
Luật gia Phạm Thị Phương - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội giết con mới đẻ như sau:
“Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo quy định này chủ thể tội giết con mới đẻ được hiểu là người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh đặc biêt mà cố ý làm chết con do mình mới sinh ra hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ (sơ sinh) đó chết. Trong trường hợp người mẹ vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết thì hành vi của người mẹ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên mà chỉ có thể bị xử lý về mặt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này".
Như vậy, hành vi vứt bỏ đứa trẻ mới sinh của người mẹ là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xử lý hình sự thì phải có hậu quả chết người xảy ra thì mới phạm tội. Do đó, trong trường hợp người mẹ vứt bỏ con mới đẻ, nhưng sau đó cháu bé được phát hiện và không tử vong thì chỉ có thể xử lý về hành chính hoặc lên án về mặt đạo đức.
Khuyến nghị:
- Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận