Các chuyên gia đã đưa ra nhiều về vấn đề bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số ở Việt Nam.
Những vấn đề nóng được đưa ra thảo luận trong Hội thảo là: Vai trò của hệ thống quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, vị trí của thư viện trong môi trường kỹ thuật số được xác định như thế nào? Đâu là thuận lợi và khó khăn của các quốc gia tham gia Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)?...
Bàn về vai trò của hệ thống quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, Giáo sư Jorgen Blomqvist, nguyên Trưởng phòng Pháp luật quyền tác giả của WIPO nhấn mạnh: Ngành công nghiệp bản quyền đang phát triển nhanh hơn, tạo ra tương đối nhiều việc làm, góp phần khuyến khích sáng tạo tác phẩm mới, kích thích sự sáng tạo, truyền bá tác phẩm, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của tác giả. Chính vì vậy, rất cần quan tâm quản lý và điều hòa tốt hệ thống quyền tác giả, tạo cơ sở cho việc phát hành tác phẩm.
Thời kỳ kỷ nguyên kỹ thuật số và internet đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận các tác phẩm, khai thác tài nguyên sáng tạo vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào, nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, đòi hỏi phải có các giải pháp quốc tế. Nhất là, tại Việt Nam quyền liên quan còn chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập hai hiệp ước về internet của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đó là Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (WPPT).
Trong đó, Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT) được thông qua tại Geneva năm 1996; gồm 25 điều, quy định những nội dung chính về quyền tác giả, phạm vi bảo hộ quyền tác giả; các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả như quyền cho thuê, quyền phân phối, quyền truyền đat tới công chúng cũng như các quy định về việc thực thi quyền. Hiệp ước tạo cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền tác giả, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ. Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) gồm có 5 chương, 33 điều; tạo cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền biểu diễn và bản ghi âm, và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Tại hội thảo, các đại biểu cuxg đã nêu rõ mục đích của việc bảo hộ quyền tác giả là nhằm khuyến khích mọi người sáng tạo ra những tác phẩm mới và truyền bá tác phẩm; đảm bảo việc thanh toán cho tác giả khi sử dụng tác phẩm; tầm quan trọng của quyền tác giả đối với người sáng tạo và người sử dụng…
Cũng bàn về vấn đề này, ông Benjamin, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Liên đoàn quốc tế các nhà soạn nhạc, soạn lời quốc tế (CISAC) cho rằng: Trong thế giới số hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet nên ngày càng có nhiều vi phạm trong lĩnh vực tác quyền. Do đó, cần nhìn nhận, xem lại và cân bằng hệ thống quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, do sự phát triển của kỷ nguyên số, nhiều chương trình, tác phẩm có thể phát trực tiếp trên các mạng xã hội, điều này khiến việc bảo hộ các tác phẩm theo cách truyền thống không còn nhiều tác dụng. Môi trường trực tuyến với những cập nhật mới trong việc tải xuống, đăng lên. Do đó những vấn đề về bảo hộ bản quyền cần được chú trọng tạo dựng bến đậu an toàn.
Các chuyên gia cũng cho rằng để thực thi tốt quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, cần có sự hỗ trợ mang tính chọn lọc, đồng thời đưa ra những điều khoản, giải pháp thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, chú trọng đến giải pháp liên quan đến thuế để ngăn ngừa tranh chấp. Đồng thời tăng cường về mặt luật pháp để xử lý nghiêm vấn nạn trốn không đóng tiền bản quyền.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, bảo vệ các ngành phục vụ về bảo vệ quyền tác giả, tăng cường tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan cho thế hệ trẻ để họ hiểu và nắm rõ quyền tác giả, quyền liên quan, bởi chính họ sẽ là đội ngũ sáng tác trẻ trong tương lai.
Luật gia Lê Hồng Sơn - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,hoặc E-mail: [email protected],[email protected].
- Nội dung tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận