Công nghệ ngày nay cho phép chúng ta có thể vừa quay phim, vừa phát trực tiếp cho nhiều người ở nhiều nơi khác nhau cùng xem, chúng ta vẫn gọi là livestream. Vấn đề đặt là livestream có vi phạm bản quyền không? Livestream vi phạm bản quyền trong trường hợp nào?
Livestream hay streaming trực tiếp là thuật ngữ nói về phần nội dung được truyền tải trực tiếp qua Internet, đòi hỏi phải có một thiết bị truyền thông xác định (ví dụ: máy quay video, hệ thống trao đổi âm thanh, phần mềm chụp màn hình...), một bộ mã hóa để số hóa nội dung, một nhà xuất bản truyền thông và một mạng lưới phân phối nội dung để phân phối và cung cấp nội dung.
- Thực tế bản quyền bị xâm phạm:
Theo một đánh giá tại Hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam, 30 - 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Đây là điều đáng lo ngại cho các nhà sản xuất, bởi khi các bản ghi hình lén bị phát tán có thể ảnh hưởng nặng tới doanh thu phòng vé. Các đạo diễn cho biết, khi một bộ phim được đưa ra nước ngoài, lượng khán giả đến rạp xem khá thấp. Bởi nhiều người do đã xem một bản lậu trên mạng rồi nên cũng không còn nhiều hào hứng đến xem lại lần nữa.
Như vậy, có thể nói, sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến công chúng dễ dàng tiếp cận các chương trình, tác phẩm nghệ thuật hơn. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên do dẫn tới những tổn thất to lớn cho các nhà sản xuất khi khán giả không ý thức về vấn đề bản quyền. Hành động livestream, ghi hình ở mọi nơi, mọi lúc rồi phát tán trên mạng, kể cả những nơi không được phép có thể gây ra nhiều tổn thất với nhà sản xuất phim hoặc sự kiện. Đặc biệt, dù đã có những luật, tổ chức bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền nghệ sĩ nhưng cho tới hiện tại, vấn nạn vi phạm bản quyền dường như chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn ngày càng tăng.
- Livestream trong trường hợp hợp nào bị coi là xâm phạm bản quyền:
Rất nhiều người khi xem phim chiếu rạp đã livestream lại cho những người không đến rạp xem và phát tán tràn lan trên facebook. Liệu hành động livestream này có vi phạm bản quyền phim ảnh không; và nếu có thì pháp luật quy định mức xử phạt như thế nào?
Theo các chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest, thì:Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương thức tương tự là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Theo khoản 3 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau:"3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả”.
Như vậy, hành vi livestream tác phẩm để công bố, phân phối tác phẩm đến với công chúng khi chưa được phép của tác giả của tác phẩm điện ảnh là đã vi phạm quyền tác giả.
- Quy định về mức xử phạt đối với hành vilivestreamvi phạm bản quyền:
Điều 28 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình như sau:
"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. 2. Biện pháp khắc phục hậu quả:Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kĩ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
Đối với hành vi livestream nhằm mục đích thương mại, Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:a) Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;b) Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo quy định.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.
Luật gia Lê Hồng Sơn - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận