Tác phẩm phái sinh - Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhưng việc nghiên cứu các quy định về bảo hộ tác phẩm phái sinh chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo hộ tác phẩm phái sinh, góp phần đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả đối với việc bảo hộ tác phẩm phái sinh là cần thiết.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật SHTT) quy định:

- "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn" (khoản 8 Điều 4).

- Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

"1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: (a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; (b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; (c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; (đ) Tác phẩm sân khấu; e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); (g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; (h) Tác phẩm nhiếp ảnh; (i) Tác phẩm kiến trúc; k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; (l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; (m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh".

Khi áp dụng các quy định pháp luật nêu trên vào thực tiễn bảo hộ quyền tác giả đặc biệt là đối với tác phẩm phái sinh, để không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc - Đây là một vấn đề phức tạp vì ranh giới giữa việc sáng tạo ra tác phẩm phái sinh với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc, ranh giới giữa việc sử dụng tự do tác phẩm với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc… trong nhiều trường hợp là khó xác định.

Chúng tôi xin trích dẫn một vài bất cập trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh để bạn đọc hiểu rõ vấn đề này hơn.

Một là đối với tác phẩm biên soạn


Khó có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tác phẩm biên soạn (là tác phẩm phái sinh theo khoản 8 Điều 4 Luật SHTT) với tác phẩm gốc, bởi vì tác phẩm biên soạn có thể là tác phẩm gốc. Đại từ điển tiếng Việt giải thích biên soạn: viết thành công trình, thành sách dựa trên các tài liệu đã thu thập được, đã có. Như vậy biên soạn là việc sáng tạo nên tác phẩm, tác phẩm đó là hoàn toàn mới, không phải là việc sáng tạo một tác phẩm dựa trên tác phẩm đã có vì các tài liệu đã được thu thập được không phải là các tác phẩm được quy định tại Điều 14 Luật SHTT.

Giải pháp đối với vấn đề này là không quy định tác phẩm biên soạn là tác phẩm phái sinh, mà tác phẩm biên soạn phải là tác phẩm (gốc).

Hai là mối quan hệ về quyền nhân thân giữa tác giả tác phẩm gốc và tác giả tác phẩm phái sinh


Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc là một trong những quyền nhân thân không thể chuyển giao, nó tồn tại vĩnh viễn và luôn luôn thuộc về tác giả tác phẩm gốc. Trong khi đó, quyền cho làm tác phẩm phái sinh lại thuộc nhóm quyền tài sản và có thể không thuộc về tác giả nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì quyền cho làm tác phẩm phái sinh độc lập với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc.

Thực tiễn, có thể xảy ra tình trạng xâm phạm quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc "trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh (như đã nêu ở trên về vụ Kiến nghị xử phạt tác giả và nhà sản xuất Album “Chat với Mozart” về hành vi xâm phạm quyền tác giả), mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả đã giải quyết nhưng giải pháp được đưa ra còn thiếu tính thuyết phục. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống là loại hình tác phẩm khó xác định tác giả, bởi vậy cũng khó xác định người có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm âm nhạc truyền thống - tác phẩm gốc.

Giải pháp đối với vấn đề này là: không coi việc viết thêm lời vào bản nhạc không lời (khi không có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc) là sáng tạo nên tác phẩm phái sinh, còn trong trường hợp có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc thì tác phẩm mới là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh. Việc này được coi là tương đương với trường hợp phổ nhạc cho một bài thơ thì bài hát (bao gồm phần nhạc và lời thơ) là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh.

Ba là đối với chương trình máy tính


Tháng 2 năm 1985, WIPO và UNESCO đã triệu tập tại Geneva một nhóm chuyên gia để bàn về ác khía cạnh của việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính (CTMT). Kết quả của các cuộc thảo luận là khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS và Điều 4 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) đã nêu rõ CTMT được bảo hộ như một tác phẩm văn học theo điều 2 của Công ước Berne. Điều 22 Luật SHTT cũng quy định CTMT được bảo hộ như một tác phẩm văn học.

Quy định trên đây là chưa hợp lý khi CTMT được hình thành từ một/những mã nguồn mở (mã nguồn mở là tác phẩm gốc), như vậy việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT đã vi phạm nguyên tắc tính nguyên gốc của tác phẩm.

Điều kiện tiên quyết để bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm là tính nguyên gốc của tác phẩm đó, có nghĩa là tác phẩm phải thể hiện là sự sáng tạo của tác giả, hay nói cách khác tác giả phải tự mình sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác. Nhưng trong thực tế thì nhiều CTMT được phát triển trên cơ sở chương trình phần mềm nguồn mở. Mà, chương trình phần mềm nguồn mở cho phép người khác quyền tự do sử dụng, quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, quyền sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi mà không phải trả phí bản quyền cho những người lập trình trước. Như vậy, CTMT được phát triển trên cơ sở chương trình phần mềm nguồn mở không đảm bảo tính nguyên gốc của tác phẩm.

Trong thực tiễn những phần mềm nguồn mở và ứng dụng thay thế hiện có tại Việt Nam, như: Hệ điều hành nguồn mở có Vietkey Linux, CMC Linux, Hacao Linux… (thay thế hệ điều hành Windows); Bộ ứng dụng văn phòng mở có Open Office (thay thế Microsoft Office); Ứng dụng thay thế khác có Unikey (thay Vietkey), 7-zip (thay Winzip), Mozilla FireFox và Mozilla FireFox ThunderBird (thay thế Internet Explorer và Outlook Express), Gimpshop (thay thế Photoshop), Gaim (thay thế Yahoo Massenger)… Các hệ điều hành nguồn mở, bộ ứng dụng văn phòng, ứng dụng thay thế vừa nêu được dựa trên hệ điều hành gốc, bởi vậy chúng không đảm bảo tính nguyên gốc, nhưng pháp luật quyền tác giả vẫn bảo hộ chúng như những tác phẩm văn học là điểm không hợp lý. Mặt khác, bảo hộ CTMT như một tác phẩm văn học đồng nghĩa với việc công nhận việc vi phạm pháp luật quyền tác giả là tất yếu, vì việc sửa đổi chương trình phần mềm nguồn mở (mà không cần sự cho phép của những người lập trình trước) đã vi phạm quyền nhân thân được quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật SHTT vì xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của người khác.

Giải pháp đối với trường hợp vừa phân tích là nếu CTMT được hình thành từ phần mềm mã nguồn mở (tác phẩm gốc) thì nó phải là tác phẩm phái sinh, khi đó xuất hiện mối quan hệ pháp lý giữa tác giả/chủ sở hữu tác phẩm CTMT với tác giả/chủ sở hữu tác phẩm phần mềm mã nguồn mở với nội dung như quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật SHTT.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Bốn là một sốvấn đề khác


Còn khá nhiều vấn đề phải bàn thêm trong việc bảo hộ tác phẩm phái sinh, như: bảo hộ tri thức truyền thống trong trường hợp tác phẩm về tri thức truyền thống được định hình trên cơ sở tri thức truyền thống đã tồn tại trong dân gian (mà chưa được định hình), trong đó vấn đề cần đặt ra là bảo hộ tri thức truyền thống hay bảo hộ tác phẩm về tri thức truyền thống; có hay không sự xung đột giữa các đối tượng của quyền SHTT như sáng chế, bí mật kinh doanh, tác phẩm khoa học (phái sinh) khi được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm khoa học khác…

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].