Hỏi: Mẹ tôi đứng tên chủ quyền 1 mảnh đất, bà mất năm 2006. Nay anh em trong gia đình đồng ý chuyển cho 2 người em có tên trong sổ hộ khẩu với mẹ tôi đồng đứng tên chủ quyền mảnh đất đó, như vậy có được không? Và thủ tục tiến hành như thế nào? (trong số anh em có 1 người sống ở nước ngoài). Nếu sau này các anh em muốn tách riêng phần đất của mỗi người thì có được không? (Trần Quang - Tuyên Quang)
Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everesst - trả lời:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn mất cách đây 9 năm và không để lại di chúc. Do đó, vẫn chưa hết thời hiệu chia thừa kế theo quy định của phát luật. Nếu như hiện nay anh em bạn muốn để cho hai người em có chung hộ khẩu với mẹ bạn đứng tên trên GCNQSDĐ thì phải có hợp đồng ủy quyền cho 2 người em này. Nếu như không có hợp đồng ủy quyền đứng tên thì mảnh đất này sẽ trở thành tài sản hợp pháp của hai người em trong gia đình bạn. Sau này sẽ không thể tiến hành thủ tục chia tài sản nếu như không có sự đồng ý của hai người em đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ:
Điều 5 – Thông tư 23/2014/TT-BTNMT. Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận
"4. Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được
công chứng hoặc
chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:... (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".
Do trong trường hợp gia đình bạn có một người đang ở nước ngoài cũng là người được thừa kế phần di sản thừa kế từ mẹ bạn để lại nên cần có một văn bản ủy quyền của người này từ nước ngoài gửi về và được hợp pháp hóa lãnh sự.
Thủ tục ủy quyền được thực hiện như sau:
+) Văn bản thỏa thuận của các thành viên trong gia đình về việc ủy quyền người đứng trên GCNQSDĐ được công chứng hoặ chứng thực.
+) GCNQSDĐ cũ có tên mẹ bạn.
+) Giấy báo tử tuất của người để lại di sản.
+) Giấy tờ chứng minh quan hệ của người để lại di sản với người hưởng di sản.
Sau khi có đầy đủ các loại giấy tờ này, bạn đem nộp hồ sơ tại UBND cấp xã để tiến hành thủ tục cấp GCNQSDĐ mới.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận