-->

Tự ý bỏ việc, công ty có trả sổ BHXH cho người lao động không?

Khi chấm dứt HĐLĐ, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm chốt và trả sổ BHXH cho người lao động.

Hỏi: Sau khi làm việc với BHXH tỉnh Tuyên Quang đề nghị được xem xét thời gian tham gia công tác của 12 năm trước khi nghỉ, tôi được trả lời là do tự ý bỏ việc nên thời gian công tác để tính BHXH chỉ được tính từ thời gian được gọi trở lại công tác (tháng 9 năm 1994 đến 01 tháng 10 năm 2014). Nhưng trên thực tế, tôi có đơn xin nghỉ 01 lần ngày 15 tháng 3 năm 1992, đơn được thủ trưởng cơ quan khi đó xác nhận và đóng dấu. Trước khi làm đơn tôi có thời gian nghỉ ốm và nghỉ con ốm từ tháng 9 năm 1991,( nội dung này cũng được thủ trưởng cơ quan xác nhận trong đơn xin nghỉ một lần của tôi). Tôi đã phải nghỉ tới 06 tháng để chữa bệnh cho con và cho bản thân, sau đó tôi xác định không thể tiếp tục công tác được nữa vì hai mẹ con tôi ốm đau triền miên, tôi quyết định viết đơn xin nghỉ một lần. Nộp đơn xong cũng không có cấp nào giải quyết hoặc trả lời, vậy tôi không thể cứ tiếp tục đi làm mà chờ đợi kết quả giải quyết của cấp trên, thời gian tôi nghỉ chữa bệnh cho con và bản thân, tôi không được hưởng lương và cũng không có bất kì hình thức kỉ luật nào của ngành. Sau 03 năm, tôi được gọi trở lại công tác với giấy gọi có ghi "đã bỏ việc" từ tháng 9 năm 1991. Cũng từ giấy báo này mà BHXH huyện và tỉnh khi xem xét hồ sơ của tôi đã kết luận là tôi tự ý bỏ việc và không tính thời gian công tác trước khi nghỉ việc của tôi. Xin hỏi Luật sư, trường hợp trên tôi có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không? Và trường hợp công ty lấy lý do tôi tự ý bỏ việc để không trả sổ BHXH cho tôi thì tôi có thể yêu cầu cơ quan nào giải quyết? (Đỗ Nhật Trường - Tuyên Quang)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, xác định thời gian làm việc của anh (chị) vào năm 1992 có được tính hay không? Cơ quan BHXH xác định thời điểm thôi việc của anh (chị) là vào năm 1991, nhưng trên thực tế anh (chị) vẫn đi làm vào năm 1992 nhưng thời gian nghỉ nhiều do con anh (chị) ốm và bản thân anh (chị) ốm. Anh (chị) cần về lại cơ quan cũ để xác nhận lại thời gian làm việc thực tế của anh (chị) tại đơn vị trong năm 1992 là bảo lâu và có đóng BHXH hay không? Theo đó, nếu thời gian làm việc còn lại trong năm 1992 của anh (chị) tại công ty vẫn được tính vào thời gian tham gia BHXH của anh (chị). Cơ quan BHXH không có thẩm quyền tự ý hủy thời gian tham gia BHXH của người lao động và cũng không có quy định nào về việc người lao động tự ý bỏ việc hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời gian đóng BHXH sẽ không được tính. Do vậy, việc cơ quan BHXH lấy lý do anh (chị) tự ý bỏ việc để không cộng khoảng thời gian anh (chị) đóng BHXH vào năm 1992 là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo như thông tin anh (chị) cung cấp: Anh (chị) xin nghỉ việc với lý do con của anh (chị) và bản thân anh (chị) ốm đau triền miên, không có điều kiện để tiếp tục thực hiện công việc trên. Đơn xin nghỉ việc này là hoàn toàn hợp pháp, căn cứ theo Điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động: “1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:...d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;...”. Mặt khác, theo như thông tin anh (chị) nêu trên, chúng tôi hiểu HĐLĐ giữa anh (chị) và đơn vị anh (chị) đang công tác là HĐLĐ không xác định thời hạn. Theo đó, Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động quy định: “3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”. Như vậy, trong trường hợp trên anh (chị) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải đảm bảo thời hạn báo trước (45 ngày) cho người sử dụng lao động.

Pháp luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ tại Điều 47, cụ thể như sau: "1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. 4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”. Theo quy định trên, khi anh (chị) chấm dứt HĐLĐ đơn vị có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm cho người lao động. Do vậy anh (chị) cần liên hệ trực tiếp với phía đơn vị để giải quyết vấn đề này. Trường hợp đơn vị không giải quyết, anh (chị) có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chủ quản của đơn vị đó.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.