Người lao động có thể khiếu nại với người sử dụng lao động hoặc kiện ra Tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Hỏi: Tôi là công nhân may. Bình thường mỗi ngày khi đến làm việc mỗi công nhân được tự do "xí" máy nào mà mình cho là tốt nhất để ngồi, nhưng trong trường hợp này tôi lại bị bắt buộc phải ngồi riêng 1 máy ngày này qua ngày khác, bị camera ghi hình. Trước sự việc này tôi bị mọi người xung quanh dòm ngó, bàn tán, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của tôi. Lí do là tôi không chịu kí vào biên bản vi phạm về may hàng không đủ sản lượng. (Những con số sản lượng mà quản lý đưa ra không đúng là sản lượng tôi làm, và cũng ở con số đó mà những người khác không bị sao mà tôi thì bị lập biên bản. Tôi thấy mình không được đối xử công bằng. Làm ơn giúp tôi, tôi không biết nên làm gì để bảo vệ mình. HĐLĐ của tôi có thời hạn 1 năm. (Thanh Hải - Ninh Bình)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động: “1.Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau: a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật; d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản”.
Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động: “1. Khiển trách. 2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức. 3. Sa thải”.
Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động: “1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động. 2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. 3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.
Điều 132. Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: “Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.
Ở trường hợp này việc công ty của bạn tiến hành xử lý kỷ luật bạn bằng cách "bắt buộc phải ngồi riêng 1 máy ngày này qua ngày khác, bị camera ghi hình" với lý do là bạn không chịu kí vào biên bản vi phạm về may hàng không đủ sản lượng. (Trong khi đó lý do mà công ty bạn đưa ra là không đúng là sản lượng bạn làm, và cũng ở con số đó mà những người khác không bị sao mà bạn thì bị lập biên bản).
Thứ nhất: Việc người sử dụng lao động (công ty của bạn) đã đưa ra lý do chứng minh cho lỗi của bạn (người lao động) theo như thông tin mà bạn đưa ra là không đúng và bạn cũng đã có đưa ra sự chứng minh cho sự sai trái trong chứng cứ chứng minh cho lỗi của bạn (công ty bạn đã vi phạm nguyên tắc thứ nhất của việc xử lý kỷ luật lao động: "Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động" vì ở đây việc chứng minh của công ty là không hề có căn cứ chính xác và bạn cũng đã chứng minh được mình không có lỗi).
Thứ hai: Mặc dù việc công ty bạn đưa ra chứng cứ chứng minh cho lỗi của bạn là sai nhưng công ty bạn vẫn tiếp tục việc xử lý kỷ luật bạn và hình thức mà công ty bạn xử lý kỷ luật đối với bạn lại không hề phù hợp với quy định của pháp luật lao động tại Điều 125 BLLĐ 2012 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động.
Thứ ba: Khi tiến hành xử lý kỷ luật bạn công ty bạn đã sử dụng hình thức kỷ luật: "bị bắt buộc phải ngồi riêng 1 máy ngày này qua ngày khác, bị camera ghi hình. Trước sự việc này bạn bị mọi người xung quanh dòm ngó, bàn tán, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bạn nên công ty bạn đã vi phạm Điều 128 khoản 1 BLLĐ 2012 quy định về điều cấm khi xử lý kỷ luật lao động: "xâm phạm nhân phẩm của người lao động".
Như vậy, công ty của bạn đã vi phạm việc xử lý kỷ luật lao động khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với trường hợp của bạn nên theo quy định tại Điều 132 BLLĐ 2012. Khiếu nại về xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất thì bạn có thể trực tiếp khiếu nại với người sử dụng lao động ở đây là công ty bạn và cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận