Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên...
Hỏi: Tôi tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2009 khi tôi bắt đầu đi làm. Nhưng tháng 1/2015 tôi chấm dứt hợp đồng với công ty và công ty đó đã chốt sổ bảo hiểm đến hết tháng 1/2015.Sau đó tôi làm việc thời vụ cho công ty khác nhưng công ty này không có chế độ đóng bảo hiểm xã hội.Vậy giờ tôi muốn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì phải làm thế nào?Quy định về mức đóng?Thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đây có bị ảnh hưởng gì không? (Quý Thanh - Hà Nội)
Như thông tin mà bạn đã cung cấp thì bạn chưa nêu rõ là bạn đã làm việc cho công ty mới được bao lâu nên chúng tôi chia ra làm 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Bạn đã làm đủ 3 tháng trở lên.
Tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định vềđối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: “a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên”.
Theo quy định tại Điều 18 về trách nhiệm của người sử dụng lao động: “1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:a)Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội".
Và theo quy định tại Điều 134 Luật bảo hiểm xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:"1. Không đóng;2. Đóng không đúng thời gian quy định;3. Đóng không đúng mức quy định;4. Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội".
Căn cứ theo quy định trên công ty phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Trường hợp mà công ty bạn không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên đó là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, bạn có thể làm đơn kiến nghị lên Giám đốc của công ty, nếu Giám đốc công ty vẫn không chấp thuận thì bạn có thể làm đơn khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trường hợp 2: Bạn chưa làm đủ 3 tháng tại công ty.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định: “Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này”.
Nếu bạn mới vào làm ở công ty mà muốn đóng bảo hiểm xã hội luôn thì bạn có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng những chế độ bảo hiểm.
Tại Điều 91 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định: “1. Hằng tháng, người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%”.
Như thông tin mà bạn đã cung cấp thì bạn đã đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 1 năm 2015. Nếu bạn muốn đóng bảo hiểm xã hội tiếp( tức là đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/2/2015) thì mức đóng sẽ là 8% một tháng.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, nếu công ty cũ của bạn đã chốt sổ bảo hiểm cho bạn thì bạn sẽ được hưởng những chế độ về bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước không bị ảnh hưởng gì đến việc hiện tại bạn chưa đóng bảo hiểm xã hội bây giờ.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận