Công ty Luật TNHH Everest tư vấn trường hợp mua đất nhưng chỉ lập hợp đồng viết tay.
Hỏi: Vào năm 2011, nhà em có mua 1 mảnh đất nông nghiệp tuy nhiên trên ấy từ ông A đã xây nhà (cấp 1, mái tôn lợp). Ông A không phải chính chủ mảnh đất mà mua lại từ ông B. Do vậy, nhà em đã mua từ ông A nhưng trên giấy tờ ký là ông B. Tuy nhiên chỉ là giấy viết tay, không công chứng gì cả. Nói thật là nhà em bị lừa. Sau đó có xảy ra tranh chấp nên gia đình em không dám ở đó, cứ đóng cửa để đấy. Đến tuần trước mới biết UBND xã (hoặc bên nào đó) giải tỏa, đập phá san bằng khu bên ấy lý do là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên do ở xa nên nhà em chưa nhận được thông báo. Giờ nhà em rất lo, sợ ngộ nhỡ bên UBND định giải tỏa lại bán chác đi bán chác lại, bởi sự mua bán trước của nhà em không có sự chứng thực của UBND xã hay huyện gì cả. Ông B lại đang tranh chấp với nhà em.Giờ em xin ý kiến của các luật sư nên làm như thế nào? từ hôm bị đập đến giờ, nhà em vẫn chưa có động tĩnh gì? Nên lên xã để xin biên bản giải tỏa để chứng thực đất nhà mình hay như thế nào ạ. (Quang Huy - Hưng yên)
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật đất đai năm 2003 và Điểm b Khoản 1 Điều 119 Nghị định 181/2004 thì: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Pháp luật chỉ công nhận các giao dịch mua bán bằng giấy tay thực hiện trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực).
Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình bạn với ông B không được pháp luật thừa nhận do không tuân thủ về mặt hình thức (không được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản).
Theo Điều 134 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Do đó, gia đình bạn nên thỏa thuận với ông B để hai bên thực hiện thủ tục chuyển nhượng gia đình bạn có thể yêu cầu tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận