Tư vấn pháp luật: Con dưới 36 tháng tuổi, khi ly hôn ai được quyền nhận nuôi

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên,...

Hỏi: Hiện nay tôi và vợ không thể sống và tôi muốn ly hôn nhưng con tôi mới đủ 24 tháng. Theo được biết thì dưới 36 tháng tòa sẽ xử con ở cùng vợ. Tôi công việc hiện làm công ty ở nhà và ngành nghề là xây dựng. Vợ tôi công việc không có, chưa có lương và làm cách nhà khoảng 60km.Do vợ tôi không có điều kiện về kinh tế là thứ nhất, thứ 2 là đang đi học chưa có tiền, sống thiếu trách nhiệm với con khi đã bỏ công việc ở gần nhà rồi đi xa để học thời gian đi từ 5h sáng đến 8h30 tối mới về tời nhà. Mọi việc chăm sóc con thường ngày do mẹ ruột tôi, bố tôi và tôi chăm sóc con. Vợ tôi đỉ học cả tuần không có ngày nghỉ nào trong tuần để chăm sóc con như nghĩa vụ của người mẹ khi con còn nhỏ. Thời gian hợp đồng học và làm việc trong 3 năm, có ý không muốn về gần nhà để làm chăm sóc con. Vậy tôi muốn hỏi với vấn đề của vợ tôi như vậy ra tòa tôi có được quyền nuôi con khi người mẹ không có điều kiện thường xuyên chăm sóc con như tôi không?Rất mong quý công ty tư vẫn giúp đỡ. (Nguyễn Sơn - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:“ 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, theo như thông thường quyền nuôi con sẽ thuộc về vợ bạn vì con bạn mới 24 tháng tuổi.
Tuy nhiên, theo như những gì bạn trình bày ở trên thì vợ bạn không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc cho con của bạn vì điều kiện về kinh tế chưa có, hơn nữa lại đi học ở xa nhà, không có thời gian chăm sóc cho con. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rằng: con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ nuôi dưỡng, tuy nhiên trừ trường hợp là người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Do đó, nếu như bạn có thể chứng minh được rằng vợ bạn không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi conthì bạn vẫn có thể có quyền nhận nuôi con. Cũng nói thêm rằng yếu tố về điều kiện kinh tế chỉ là một phần và không có tầm chi phối lớn đến việc vợ bạn không được nuôi con do vợ bạn chưa có việc, chưa có lương vì nếu như quyền nuôi con thuộc về vợ bạn thì bạn với tư cách là người cha bạn cũng sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, bạn sẽ phải có chứng cứ chứng minh rằng vợ bạn không có đủ những điều kiện này để giành được quyền nuôi con.
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, quy địnhchứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Như vậy, bạn cần thu thập được chứng cứ để chứng minh trước tòa rằng vợ bạn không có đủ điều kiện nuôi dưỡng con bằng cách như ghi âm, hay chụp ảnh hay bất kì giấy tờ văn bản thể hiện rằng vợ bạn học xa nhà trong khoảng thời gian dài, không có thời gian gần gũi, chăm sóc cho con, cũng không có ý muốn chuyển về gần nhà để thuận tiện cho việc chăm con,…Đó sẽ là cơ sở để bạn có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con trước Tòa.

Khuyến nghị:


  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.