-->

Xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình

Hiện nay, Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 đã được ban hành và đang được thực thi. Đối với người có hành vi bạo lực gia đình, pháp luật có các chế tài xử phạt phù hợp, đồng thời cũng có những biện pháp bảo vệ cho những nạn nhân của hành vi này.

Các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật

Các hành vi bị coi là bạo lực gia đình được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 như sau:

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: (a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; (b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; (c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; (d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; (đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục; (e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; (g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; (h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; (i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở”.

Những hành vi trên áp dụng với các cá nhân là thành viên trong gia đình. Ngoài ra, hành vi trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. (Khoản 2 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007)

Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Tư vấn pháp luật hôn nhân - gia đình - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7):1900 6198

Xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình.

Hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử phạt hành chính dưới các hình thức: phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30 triệu đồng. Mức xử phạt được quy định cụ thể từ Điều 49 đến Điều 65 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trong đó có thể kể đến một số trường hợp như: (i)Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình: phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. (ii)Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình: phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi có yêu cầu. (iii)Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình: phạt tiền từ 500.000 đến 1.500.000 tùy theo mức độ vi phạm và buộc xin lỗi công khai, thu hồi tư liệu, tài liệu.

Ngoài ra, Nghị định 167/2013/NĐ-CP còn liệt kê các hành vi như: Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ; Hành vi bạo lực về kinh tế,…

Thứ hai, xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực gia đình.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình tại chương XVII từ Điều 181 đến Điều 187. Trong đó, các tội liên quan đến hành vi bạo lực gia đình gồm có: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185); Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (quy định tại Điều 181);

Đối với người phạm tội này, mức phạt bao gồm phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tối đa là 5 năm.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].