Khi phát sinh tranh chấp trong thương mại quốc tế, việc chọn Trọng tài hay Tòa án để giải quyết là điều các doanh nghiệp cân nhắc. Hai phương thức giải quyết này có những ưu nhược điểm khác nhau và tùy vào sự lựa chọn của doanh nghiệp
Hỏi: Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng các Tòa án VN thường tự động áp dụng pháp luật VN để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế mặc dù trong hợp đồng các bên đã thỏa thuận về việc áp dụng pháp luật nước ngoài - đây là sự vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, gây thất vọng cho các bên tranh chấp. Vậy Luật sư cho tôi hỏi ý kiến này có đúng không và thực tế vấn đề này như thế nào? Và khi xảy ra tranh chấp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp nên lựa chọn Trọng tài hay Toà án để giải quyết? (Thanh Huyền - Nam Định)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thương mại - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
1. Vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam:
Trước hết, thẩm quyền giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài của tòa án Việt Nam được quy định tại điều 410 và điều 411 (Bộ luật tố tụng Dân sự 2004). Việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam không có nghĩa là áp dụng luật Việt Nam. Nếu như trong hợp đồng của các bên có thỏa thuận điều khoản chọn luật áp dụng là luật nước ngoài, khi kiện ra Tòa án Việt Nam thì cần phải xem xét Tòa án Việt Nam có thẩm quyền thụ lý vụ việc đó hay không? Nếu có, thì tòa án Việt Nam khi tiến hành xét xử sẽ xem xét tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này có được quy định trong luật mà hai bên thỏa thuận lụa chọn để áp dụng không?
+ Nếu Luật được chọn có quy định về loại hình tranh chấp đó thì Tòa án Việt Nam sẽ xét xử theo luật nước ngoài mà các bên trong hợp đồng đã lựa chọn.
+ Nếu Luật được chọn không có quy định về tranh chấp đó thì Tòa án Việt Nam sẽ phải tiến hành lựa chọn luật để xét xử phù hợp với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó.
Thực tế có nhiều người hiểu sai về vấn đề Tòa án xét xử và Luật áp dụng. Tòa án nơi xét xử vụ việc không hẳn sẽ áp dụng Luật của nước nơi có Tòa án đó.
2. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp nên lựa chọn Trọng tài hay Toà án để giải quyết?
Khi phát sinh tranh chấp trong thương mại quốc tế, việc chọn Trọng tài hay Tòa án để giải quyết là điều các doanh nghiệp cân nhắc. Hai phương thức giải quyết này có những ưu nhược điểm khác nhau và tùy vào sự lựa chọn của doanh nghiệp.
a. Đối với Tòa án:
- Ưu điểm:
+ Phán quyết của toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Các bên có nghãi vụ phải thi hành phán quyết đó.
+ Khi giải quyết tranh chấp tại toà án, việc giải quyết có thể qua nhiều cấp xét xử, bảo đảm cho quyết định của toà án được chính xác, công bằng, khách quan và đúng với pháp luật.
+ Với điều kiện thực tế ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác hiện nay, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại toà án thấp hơn rất nhiều so với việc sử dụng đến các tổ chức trọng tài thương mại hay trọng tài quốc tế.
- Nhược điểm:
+ Một điều bất lợi của của toà án, đó là nguyên tắc xét xử công khai. Các doanh nghiệp làm ăn trên thương trường đều không muốn mang các mảng bí mật phải ra toà để giải quyết tranh chấp, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
+ Mặc dù nguyên tắc xét xử nhiều cấp đảm bảo cho quyết định của toà án là chính xác, công bằng. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng sẽ khiến cho vụ việc có thể bị kéo dài, xử đi xử lại nhiều lần gây bất lợi cho đương sự, nhất là những tranh chấp kinh tế có giá trị lớn đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Việc dây dưa, kéo dài vụ việc sẽ gây căng thẳng tâm lý, làm mất thời giờ, tiền bạc của doanh nghiệp và có khi phải bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
+ Đặc biệt với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, thêm một bước công nhận và cho thi hành phán quyết.
b. Đối với Trọng tài:
- Ưu điểm:
+ Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian cho doanh nghiệp.
+ Khả năng chỉ định trọng tài viên thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác.
+ Nguyên tắc trọng tài xét xử không công khai, phần nào giúp các bên giữ được uy tín trên thương trường. Đây được coi là ưu điểm được các bên tranh chấp ưa chộng nhất.
+ Các bên tranh chấp có khả năng tác động đến quá trình trọng tài, kiểm soát được việc cung cấp chứng cứ của mình và điều này giúp các bên giữ được bí quyết kinh doanh.
+ Trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhân tố nước ngoài.
- Nhược điểm:
+ Khuỵết điểm do tính chất nhanh chóng của cách thức giải quyết vụ việc, trọng tài tuyên án chỉ sau một cấp xét xử duy nhất, nên đôi khi các quyết định của trọng tài là không chính xác, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp.
+ Việc thực hiện các quyết định của trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên.
+ Trong thực tiễn tình hình nước ta và các nước khác, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài quá lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng chi trả.
+ Khi không được thoả thuận sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp kinh doanh trong hợp đồng thì khi xảy ra tranh chấp, trọng tài không có thẩm quyền giải quyết ngay cả khi doanh nghiệp có ý định đó.
Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết nào trong hai phương thức trên tùy thuộc vào khả năng tài chính và sự lựa chọn của doanh nghiệp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận