-->

Luật Sở hữu trí tuệ: Vai trò, hạn chế và định hướng sửa đổi

Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm giúp giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm về tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là: Pháp điển hoá, kế thừa có chọn lọc, bổ sung các quy định còn thiếu, các quy định mới về sở hữu trí tuệ (SHTT) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật SHTT và giữa các quy định liên quan đến SHTT của các ngành luật khác; đảm bảo sự tương thích giữa các quy định SHTT của Việt nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các Hiệp định song phương, đa phương khác mà Nhà nước ta đã ký kết; đảm bảo các quy định về quyền SHTT phù hợp với điều kiện của Việt nam.

Vậy sau thời gian thực thi, Luật SHTT có vai trò quan trọng như thế nào? Và có gặp hạn chế, bất cập gì không?

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Vai trò quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ


Luật Sở hữu trí tuệ được xem là luật đầu tiên tập hợp rất nhiều các quy định, văn bản quy phạm ở nước ta và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để quy định hướng dẫn, hỗ trợ thực thi bộ luật đó. Từ khi luật SHTT được áp dụng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã có ý thức rất rõ rệt về quyền SHTT đã vận dụng thế mạnh của quyền SHTT để tạo ra tài sản trí tuệ, ứng dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ đó của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài, thông qua đó, doanh nghiệp có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Bằng chứng cho thấy hoạt động đăng ký quyền SHTT tại Cục SHTT được phát triển mạnh, lượng đơn đăng ký tăng gần 50% so với lúc chưa có Luật SHTT. Hiện nay, lượng đơn đăng ký xác lập quyền bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động đầu tư tại Việt Nam mỗi năm tăng từ 10 đến 15%. Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp đã có ý thức bảo vệ tài sản của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài.

Ý thức trong việc bảo vệ, tôn vinh đặc sản, nông sản, làng nghề truyền thống tại nhiều địa phương đã được nâng lên rõ rệt, điều này khẳng định SHTT đang đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ nhãn hiệu cho cộng đồng.

Mặc dù quy định SHTT đã được phổ cập tương đối rộng khắp nhưng ý thức người dân nói chung và các doanh nghiệpvề quyền SHTT vẫn chưa được như mong muốn, chính vì thế vẫn còn hiện tượng xâm phạm quyền SHTT (có thể cố ý hoặc vô ý). Thậm chí nhiều doanh nghiệp bỏ quên đăng ký quyền SHTT cho chính đứa con trí tuệ của mình nên dẫn đến việc bị mất hoặc chậm trễ đăng ký dẫn đến xảy ra tranh chấp quyền SHTT.

Đánh giá và phân tích vai trò của quyền SHTT đối với phát triển kinh tế của một quốc gia là công việc tương đối phức tạp và cần phải được xem xét từ nhiều góc độ. Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Hiện nay, đa phần các nước nghèo vẫn coi đây là giải pháp để hiện đại hóa công nghệ của mình và qua đó, phát triển nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, một hệ thống SHTT mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước.

Những hạn chế khi thực thi quyền sở hữu trí tuệ


Hoạt động thực thi quyền SHTT còn nhiều vấn đề, bởi hệ thống thực thi SHTT lại nằm ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, với quá nhiều đầu mối dẫn đến cho các doanh nghiệp không biết phải đến cơ quan nào, liên hệ với cơ quan nào để được hỗ trợ trong trường hợp nào, bối cảnh nào để thực thi quyền của mình.

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cho thấy, những năm qua tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang ngày một gia tăng ở Việt Nam, hầu hết các chủ thể quyền đều tìm hướng giải quyết là tự giải quyết tranh chấp giữa các bên, áp dụng công nghệ để ngăn ngừa và tiến hành bằng biện pháp hành chính. Rất ít vụ việc được đưa ra xử lý tại tòa án ở Việt Nam, mà được thay bằng việc khiếu nại đến các cơ quan chức năng, điều này đã tạo ra sự khác biệt so với việc tranh chấp quyền SHTT tại các nước trên thế giới. Sự khác biệt này đã làm cho quyền SHTT với bản chất là quyền dân sự đang bị chuyển qua thành xử lý hành chính. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, trong nhiều năm qua ở nước ta liên tục xảy ra tình trạng xâm phạm quyền SHTT, nhưng các chủ thể quyền dường như rất ngại việc khởi kiện ra tòa vì cho rằng cơ chế xử lý này còn rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả. Nhất là hiện nay ngành tòa án còn thiếu cán bộ có năng lực, trình độ để có thể xử lý những vụ việc xâm phạm, tranh chấp quyền SHTT. Do đó, các chủ thể quyền thường lựa chọn sử dụng các cơ quan hành chính công quyền để bảo vệ quyền và lợi ích theo các quy định như: Công an kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, lực lượng thanh tra thuộc các bộ, ngành…

Những năm vừa qua, Thanh tra Bộ KH và CN, Quản lý thị trường, Công an… đã bắt được rất nhiều cơ sở bán hàng giả, nhưng khi liên hệ với các chủ thể quyền thì họ lại không quan tâm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc bảo hộ SHTT còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp hơn nữa giữa các chủ thể quyền và cơ quan chức năng trong mặt trận chống hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng cao nhận thức từ xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua hoạt động xử lý đơn tại Cục SHTT vẫn bị chậm, lượng đơn tồn đọng vẫn nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do quy trình, thủ tục thẩm định đơn chưa được hoàn thiện trong nhiều năm qua, chậm cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); một số quy định chưa được chi tiết, rõ ràng dẫn đến việc chậm trễ, ách tắc trong công tác thẩm định đơn, ví dụ các đơn sáng chế dược phẩm với vấn đề sáng chế dạng sử dụng; Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin như hệ thống quản trị đơn, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, trang thiết bị... để phục vụ công tác thẩm định đơn SHCN còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; thiếu nhân lực để xử lý đơn; Chất lượng của các hệ thống bổ trợ như hệ thống đại diện SHCN không cao, chất lượng đơn do các đại diện SHCN chuẩn bị chưa thật sự đạt chuẩn.

Nắm bắt được những hạn chế của hoạt động này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm và dành cơ chế đặc biệt cho hoạt động SHTT để có thể nhanh chóng phát triển. Mặc dù đây là điều kiện thuận lợi đối với việc phát triển hoạt động SHTT. Tuy nhiên, để nó phát triển mạnh thì cần phải có thời gian thẩm thấu, đưa lợi thế nguồn lực biến thành công cụ giúp hoạt động xử lý đơn được thuận lợi, nhanh hơn.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ


Với việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những cam kết về SHTT trong Hiệp định TPP đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt, đặc biệt là phải cải cách hệ thống pháp luật trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam không chỉ đơn thuần phải sửa đổi các quy định pháp luật mà còn phải thay đổi cơ cấu hệ thống pháp luật, cụ thể là phải chuyển dịch cơ chế phạt hành chính sang phạt hình sự đối với hàng loạt hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Nhằm đưa hệ thống SHTT thật sự có hiệu quả theo các yêu cầu của TPP, cần tiếp tục tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan thực thi quyền SHTT, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ SHTT ở mức cao, nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để có được môi trường kinh doanh lành mạnh, tôn trọng quyền SHTT để phát triển bền vững.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].