-->

Tư vấn để lập một di chúc hợp pháp

Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định điều kiện di chúc hợp pháp

Hỏi: Mẹ tôi có 1 căn nhà khi già yếu bà ủy quyền cho tôi đứng tên để mua hóa giá nhà với nhà nước, hiện tôi đang đứng têm trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà nói trên. Gia đình tôi có 4 chị em ruột, vẫn đang sinh sống tại chỗ, bản thân của tôi thì không chồng không con. Nay tôi muốn làm di chúc cho 3 người cháu ruột của tôi.Cũng xin nói rõ là tôi cũng có thêm 1 người em trai cùng cha khác mẹ, nhưng vì trốn quân dịch nên nó đã làm giấy tờ chuyển sang thành con trai của mẹ tôi (có nghĩa là nó đứng cùng 1 họ với bà) .Vậy trên pháp lý thì người con trai này có được quyền thừa hưởng di sản căn nhà này do mẹ ruột và 4 chị em tôi tạo dựng hay không? (bởi vì nó chỉ là con trai của bà vợ nhỏ với ba tôi, nhưng trên giấy tờ pháp lý thì nó lại chính là con trai ruột của mẹ tôi với ba tôi ). Vậy việc thực hiện di chúc của tôi có hợp lệ hay không?Còn nếu không hợp lệ thì tôi có thể làm lại tờ di chúc khác do 4 chị em đồng ký để trao phần tài sản được hưởng của riêng 4 chị em tôi trong ngôi nhà nay cho những người con cháu ruột của chúng tôi được hay không? (Mai Tuyết - Ninh Bình)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Như bác đã trình bày, căn nhà trên do mẹ của các bác ủy quyền cho bác đứng tên, tuy nhiên nó lại do mẹ ruột cùng 4 chị em bác tạo dựng, cho nên chúng tôi không thể kết luận được rằng thực sự phần đóng góp của mỗi người trong 5 người trong gia đình bác tại thời điểm đó là như thế nào tại thời điểm mua nhà. Tuy nhiên trên khía cạnh pháp lý và giấy tờ chứng nhận thì hiện tại ngôi nhà đang thuộc quyền sở hữu của riêng một mình bác. Bởi vì từ trước tới nay trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà có tên riêng một mình bác, là căn cứ pháp lý chứng nhận quyền sở hữu. Do đó, thời điểm người mẹ của bác mất, mẹ bác không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên ngôi nhà không phải di sản thừa kế, người em trai cùng cha khác mẹ của bác (trên giấy tờ là em trai của bác) không được chia một phần ngôi nhà. Và đương nhiên cho tới hiện nay, ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của riêng một mình bác.

Nếu trên thực tế 4 người chị em bác trước đến nay sinh sống hòa thuận và nhất trí với nhau trong việc quyết định số phận ngôi nhà sau (thực chất là tài sản chung của 4 chị em nhưng trên giấy tờ đứng tên một mình bác) thì để làm di chúc cho 3 người cháu ruột của bác hưởng ngôi nhà, chỉ cần một mình bác lập di chúc với tư cách cá nhân mình chia ngôi nhà cho 3 người cháu đó. Và di chúc này được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được quy định dưới đây của Bộ luật Dân sự 2005 và có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (Điều 677):

Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 về di chúc hợp pháp quy định:

"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.

Đặc biệt ở tuổi của bác dễ tạo cho người khác ngờ vực về sự minh mẫn, chúng tôi khuyên bác nên công chứng, chứng thực di chúc bằng văn bản sau khi lập, hoặc đến lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã trước sự chứng kiến của công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Ủy ban nhân dân và được họ ký tên lên để nâng cao hiệu lực của di chúc.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.