-->

Tư vấn đất nông nghiệp không canh tác được do không có lối vào

Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.

Hỏi: Nhà tôi có 01 thửa ruộng 120m2, trước giờ vẫn sử dụng để trồng lúa và rau màu. Khoảng 05 năm trở lại đây, do không có nguồn nước dẫn đến ruộng nên nhà tôi đã không thể canh tác được nữa mà bỏ không. Xung quanh ruộng nhà tôi hiện tại lại toàn những nhà cao tầng với 01 xí nghiệp may nhỏ. Ruộng đang nằm giữa cánh đồng nay trở thành giữa khu công nghiệp, không có đường vào. Nhà tôi coi như tự nhiên mất ruộng, vì vào còn không vào được nói gì canh tác, nói gì nguồn nước... trong khi nhà tôi không hề nhận được thông báo quy hoạch hay chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, hay bất kỳ thông báo nào khác. Đề nghị Luật sư tư vấn, gia đình tôi cần làm gì để đòi lại quyền sử dụng của mình với thửa ruộng trên? Nếu muốn canh tác lại tôi đến cơ quan nào đòi cung cấp nước và lối đi vào thửa? (Khuất Thanh Hằng - Yên Bái)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Hồng Phúc - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì:

"Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.”

Theo như anh (chị) trình bày, gia đình anh (chị) có một thửa ruộng để canh tác, tuy nhiên hiện nay lại bị vây bọc xung quanh bởi các tòa nhà cao tầng và xí nghiệp khác. Trong trường hợp này, nếu như không còn bất kỳ lối đi nào vào thửa ruộng nhà anh (chị) để canh tác thì gia đình có quyền được sử dụng các bất động sản liền kề khác để đi vào. Việc này được thực hiện theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:

“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Về việc tìm lối cấp, thoát nước thì tại Điều 277 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định:

“Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”.

Điều 278 Bộ luật dân sự năm 2005:

"Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường”.

Theo như quy định trên, gia đình anh (chị) nên tìm hiểu và lựa chọn lối đi sẽ mở trên bất động sản liền kề nào mà sẽ thấy thuận tiện và hợp lý nhất. Sau đó gia đình anh (chị) sẽ thỏa thuận với chủ xí nghiệp hoặc với các gia đình đã xây nhà bên cạnh. Lúc này, người có bất động sản mà gia đình anh (chị) yêu cầu được mở lối đi phải có nghĩa vụ đáp ứng, tuy nhiên, gia đình anh (chị) sẽ phải tiến hành đền bù cho họ đối với thiệt hại gây ra khi mở lối đi theo thỏa thuận. Và đồng thời gia đình anh (chị) cũng có thể tìm hiều lối dẫn nước nào thích hợp nhất dẫn đến thửa ruộng để có thể canh tác thuận tiện và yêu cầu những người có bất động sản liên quan về việc để lối dẫn nước thích hợp.

Trường hợp nếu gia đình anh (chị) yêu cầu mà không được người có bất động sản chấp nhận và cho phép thực hiện thì gia đình anh (chị) có quyền UBND cấp xã tiên hành hòa giải, sau khi tiến hành hòa giải ở UBND xã, phường mà 2 bên hòa giải không thành thì anh (chị) có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dận quận/huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết. Theo đó, gia đình anh (chị) cần làm hồ sơ, bao gồm các giấy tờ sau:

Làm đơn khởi kiện với các nội dung chính sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.

- Tên Toà án nhận đơn khởi kiện.

- Tên, địa chỉ của người khởi kiện.

- Tên, địa chỉ của người bị kiện.

- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hồ sơ trên anh (chị) nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện và nộp tạm ứng phí để Tòa án thụ lý vụ án.

Nộp tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án: Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết vụ án. Mức tạm ứng phí trong trường hợp này được xác định là 200.000 nghìn đồng.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.