Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Luật Việt Nam chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của các bên trong một vụ tranh chấp về quyền sở hữu tài sản trong việc cung cấp chứng cứ. Nói riêng về quyền tác giả, luật quyết định rằng “Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại” ( Luật sở hữu trí tuệ 2005 Điều 49 khoản 3). Giải pháp này được thừa nhận mà không phân biệt người đăng ký bảo hộ là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ việc tranh chấp. Thực tiễn áp dụng pháp luật cũng có xu hướng thiết lập sự suy đoán có lợi cho người đã đăng ký quyền sở hữu, mỗi khi có tranh chấp, dù luật hầu như không có quy định nào tương tự như Điều 49 khoản 3 nêu trên áp dụng cho các trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu không phải là tác phẩm. Song, chúng ta có một nguyên tắc chung nhất được thừa nhận trên thực tế. Đó là: một khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với một tài sản phải đăng ký, thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tranh chấp không đăng ký. Người có giấy chứng nhận quyền sở hữu có thể là nguyên đơn, nhưng cũng có thể là bị đơn trong vụ tranh chấp, có thể là người đang chiếm hữu vật chất và pháp lý đối với tài sản, nhưng cũng có thể đang ở trong tình trạng bị người khác chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp tài sản tranh chấp thuộc loại tài sản vô hình, thì thông thường, người có giấy chứng nhận là nạn nhân của một vụ vi phạm độc quyền khai thác và chủ động kiện cáo để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác, cũng như người có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, người chiếm hữu một tài sản không thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu chỉ có ưu thế tương đối. Nếu người tranh chấp chứng minh được rằng sự chiếm hữu của người bị tranh chấp không hoàn hảo (không liên tục, không công khai, hoặc mập mờ), thì cả hai bên tranh chấp sẽ trở nên bình đẳng trong việc chứng minh. Còn trong trường hợp tài sản tranh chấp không thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu, người đứng nguyên đơn trong vụ tranh chấp về một tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nhưng chưa được đăng ký thường cũng là người đòi lại tài sản, còn bị đơn là người chiếm hữu. Tất cả các bên đều phải cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu của mình đối với tài sản tranh chấp và người có bằng chứng thuyết phục nhất sẽ được công nhận là chủ sở hữu.
Thứ nhất, đối tượng chứng minh
Đối tượng chứng minh trong các tranh chấp về quyền sở hữu lẽ đương nhiên là quyền sở hữu. Người khởi kiện tranh chấp phải chứng minh rằng chính mình, chứ không phải người bị tranh chấp, mới là chủ sở hữu của tài sản.
Song, đối tượng chứng minh trong một vụ kiện về quyền thừa kế không phải là quyền sở hữu
hay quyền yêu cầu chuyển quyền sở hữu mà là quyền hưởng di sản.
Thứ hai, phương tiện chứng minh
Luật Việt Nam không có các quy định riêng về việc thiết lập và thẩm định chứng cứ trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Người tranh chấp có thể sử dụng bất kỳ phương tiện chứng minh nào được pháp luật thừa nhận. Phương tiện chứng minh thông dụng nhất là giấy tờ. Đôi khi người tranh chấp còn viện dẫn sự chiếm hữu; nhưng trong luật hiện hành, sự chiếm hữu chỉ có giá trị chứng minh trong một vài trường hợp rất đặc biệt. Sự chiếm hữu chỉ được luật viết chính thức coi là phương tiện chứng minh quyền sở hữu, trong trường hợp việc chiếm hữu thoả mãn các điều kiện dự liệu cho việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, hoặc cho việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 BLDS. Việc chiếm hữu trong các trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu rút ngắn được thừa nhận nhờ việc xuất trình bằng chứng về thông báo công khai (ghi nhận ngày nhặt, phát hiện, bắt được tài sản, thì việc chiếm hữu có thể coi như bắt đầu từ ngày đó). Trong các trường hợp khác, bằng chứng về sự chiếm hữu có thể được cung cấp từ bất kỳ nguồn nào được thừa nhận trong luật chung có chứa đựng các dữ kiện cho thấy đương sự có thực hiện các giao dịch vật chất tác động lên tài sản theo cung cách của một người có quyền sở hữu tài sản: hoá đơn thanh toán tiền sửa chữa tài sản; hợp đồng gửi giữ, hợp đồng cầm cố, cho mượn tài sản; lời khai của người làm chứng;...
Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp
- Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
- Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận