-->

Tổ chức nhà nước và vấn đề Hiến pháp

Sự ra đời của Hiến pháp với tính chất là luật cơ bản gắn liền với thời kỳ giai cấp tư sản giành chính quyền trong cuộc đấu tranh chống lại Nhà nước chuyên chế phong kiến để thành lập ra một nhà nước dân chủ, mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Kể từ khi xuất hiện trong xã hội loài người, mọi Nhà nước đều phải tổ chức theo một thể thức nhất định. Những thể thức này chứa đựng trong các nguyên tắc buộc giai cấp thống trị khi tổ chức bộ máy Nhà nước của mình phải tuân theo. Những nguyên tắc tổ chức Nhà nước thể hiện tính quy luật khách quan được giai cấp thống trị và xã hội thừa nhận, đồng thời cũng là cơ sở cho việc tồn tại, phát triển của chính Nhà nước. Ngoài những quy luật có tính khách quan, giai cấp thống trị còn tự đặt các quy tắc chủ quan thể hiện ý chí của mình, tạo thành những thể thức tổ chức quyền lực Nhà nước. Thuở sơ khai những thể thức đó là bất thành văn, chứa đựng trong những tập tục lâu đời, về tập quán hình thành qua những hoạt động có liên quan đến việc tổ chức của Nhà nước.

Chính hình thức tồn tại dưới dạng bất thành văn này là cơ sở cho việc lạm dụng Nhà nước mà vi phạm đến quyền lợi nhiều người dân khác của giai cấp thống trị, giữ vai trò điều hành và quản lý đất nước. Phù hợp với thời kỳ này người ta giải thích quyền lực Nhà nước là “thẩm quyền”, do đấng “siêu nhân” tạo ra: Ai, dòng họ nào được quyền đứng trên các dòng họ, các thần dân khác thay mặt cho đấng “siêu nhân” cai quản thống trị xã hội; Quyền lực Nhà nước đáng lý ra là của nhân dân được họ sử dụng như một thứ của cải, sở hữu riêng, và họ có đặc quyền được hưởng suốt đời, và được truyền cho con cháu. Mọi người dân sống trong cộng đồng không được hưởng quyền gì, trừ nghĩa vụ phải tuân theo những gì mà giai cấp thống trị yêu cầu, được gọi là các “thần dân”. Họ phải cam chịu, phải thuần phục giai cấp thống trị thành một lẽ đương nhiên, như sinh ra giữa trời đất, phải cam chịu một cách tự nhiên, như thời tiết, như thời gian, không gian... không còn cách nào khác.

Với sự phát triển của xã hội, loài người đã nhận ra không phải việc tổ chức Nhà nước là thần bí như vậy, mà xuất phát từ nhân dân, những người sống trong cộng đồng xã hội tạo nên. Do nhu cầu phải tồn tại, phải phát triển các cá nhân không sống một cách biệt lập, phải liên kết nhau thành một cộng đồng dân tộc, dưới sự quản lý của một tổ chức nhất định, đó là Nhà nước. Đúng như nhận định của nhà Triết học người Anh cách đây hơn một nửa thiên kỷ:

Bên cạnh việc nhà nước có chức năng phải duy trì và bảo đảm cho cuộc sống của con người trước những thiên tai, trước những sự xâm phạm của các chủ thể khác, thì cũng chính nhà nước lại là một chủ thể nguy hiểm cho việc xâm phạm đến con người. Vì nhà
nước xét cho cùng cũng chính do con người tạo nên, nên nhà nước cũng mang theo những bản tính tốt và xấu của con người.

Vậy mục tiêu của sinh ra Hiến pháp là gì? Phải chăng không phải là những tuyên bố chứ đựng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, và sau này cũng được Hồ Chí Minh nhắc lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945:

Chúng ta thừa nhận những chân lý tự nhiên rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng tạo hoá trao cho họ những quyền không thể tước đoạt, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lợi chính đáng trên cơ sở nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể thức sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.

Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ, 1776



Hỡi đồng bào cả nước

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy , có quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra , câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Hồ Chí Minh, Tuyên Ngôn Độc lập, 2- 9 năm 1945

Muốn tránh khỏi những sự lạm dụng quyền lực Nhà nước và sự sử dụng quyền lực nhà nước một cách tùy tiện như trước đây, phải có một khế ước giữa những người dân sống trong cộng đồng với những người đại diện thay mặt cho nhân dân, đứng trên nhân dân, để quản lý xã hội. Bản khế ước này sau này được gọi là Hiến pháp.

Thuật ngữ Hiến pháp có nguồn gốc tiếng La tinh là từ “constitutio” đã tồn tại rất lâu trong lịch sử. Trong Nhà nước La Mã cổ đại, một số hoàng đế đã dùng thuật ngữ này chỉ cho các quyết định của mình. Thuật ngữ này chỉ có nghĩa như ngày nay, kể từ khi có cách mạng tư sản.

Trong xã hội phong kiến ở một số quốc gia, nhất là ở phương Tây cũng đã tồn tại một số văn bản pháp luật kiểu hiến pháp thường được gọi là “Hiến chương”, thể hiện sự thỏa hiệp giữa các vương triều chuyên chế với một số lãnh địa, lãnh chúa thừa nhận một số quyền của một số lãnh địa, thành thị... Nhưng bản thân từ “Hiến pháp” thì không được sử dụng. Nếu trong xã hội phong kiến phương Tây như vậy, thì trong xã hội phong kiến phương Đông, thuật ngữ này càng không được nhắc tới.

Lâm Ngữ Đường, một nhà nghiên cứu văn hoá Trung quốc, trong tác phẩm nổi tiếng "My country and my people," cũng mạnh dạn cho rằng, nội dung cơ bản của hiến pháp là phải có quy định ngăn ngừa bản tính xấu vốn có của con người cầm quyền lực. Khác với các đạo luật bình thường khác, Hiến pháp phải có những quy định thể hiện tâm lý của hành vi của con người. Ông viết:

"Theo tiêu chuẩn quốc gia, nền chính trị của chúng ta (Trung Quốc - NĐD) có những đặc điểm rõ ràng là thiếu một hiến pháp và thiếu quan niệm về quyền lợi của công dân. Những đặc điểm đó mà tồn tại là do nền triết lý chính trị và một tình trạng đặc thù vậy. Một triết lý dung hoà đạo đức khác hẳn với một triết lý hiệu lực. Nền triết lý pha trộn đạo đức vào chính trị tạo ra một khái niệm căn bản của hiến pháp trong đó đã dự định bọn người thống trị có thể trở nên những người đồi bại; nếu họ lạm dụng quyền lực làm tổn hại đến quyền lợi của chúng ta, lúc đó ta có thể trông cậy vào hiến pháp làm vũ khí để bảo vệ quyền lợi của mình. Khái niệm đối với Chính phủ của người Trung Quốc khác hẳn với khái niệm dự đoán nói trên. Họ chỉ biết rằng chính phủ là cha mẹ của dân, có thể gọi nó là phụ mẫu chính phủ" hay chính phủ hiền năng". Cái chính phủ soi xét đến quyền lợi của người dân hệt như cha mẹ lo liệu cho con cái vậy. Vì thế, nhân dân ta (Trung Quốc - NĐD) lấy quyền "tiện nghi hành sự" (tuỳ ý nên làm sao làm vậy) giao phó cho chính phủ, lại còn cho một tín nhiệm vô thời hạn nữa".

Hiến pháp với nhân quyền với dân chủ, với nền kinh tế thị trường như những cặp phạm trù căn bản của nhà pháp quyền. Cũng chính Lâm Ngữ Đường còn chỉ ra rằng, sự ngăn ngừa trên là một biểu hiện của nền pháp trị, nó khác hẳn với chính trị nhân trị của Khổng Tử, Ông viết tiếp:

"Khái niệm chính trị của Khổng Tử cho rằng, mỗi kẻ trong guồng máy thống trị là một bậc quân tử hiền đức, bởi vậy mới lấy lễ của người quân tử để đối với họ. Khái niệm chính trị của chế độ pháp trị cho rằng mỗi kẻ trong guồng máy thống trị là một kẻ đồi bại, bởi vậy phải định trước những điều khoản để ngăn ngừa đối với họ,trước khi họ có ý định làm bậy. Thật rõ ràng ý kiến thứ nhất là truyền thống của Trung quốc từ xưa tới nay, ý kiến thứ nhì là ý kiến của Âu Châu, mà cũng là ý kiến của Hàn Phi Tử vậy. Hiển nhiên ông đã nói rằng: "Bậc thánh nhân trị quốc, không trông cậy vào người ta làm điều thiện giúp mình, mà phải làm sao khiến họ không làm bậy được. (Thánh nhân chi trị quốc, bất thị nhân chi vi ngô thiện dã, nhi dụng kỳ bất đắc vi phi dã). Câu nói này là điểm nền móng đạo đức quan của triết học pháp gia. Nói khác đi, chúng ta không thể coi bọn người cầm quyền cai trị là quân tử và mong họ làm theo đạo nhân nghĩa được, phải coi họ là những người có thể thành những tên tù phạm và phải trù liệu những thủ đoạn và những phương pháp để ngăn ngừa những hành vi tội ác của họ có thể làm được như bóc lột quyền lợi của nhân dân hay bán nước. Đến đây ta có thể nhận ngay rằng chế độ pháp trị có thể dễ dàng thu được hiệu quả thực sự, hiệu năng ngăn chặn hủ hoá chính trị rõ ràng là mạnh hơn thái độ yên lặng ngồi đợi bọn hiền nhân quân tử nói trên làm theo lương tâm vậy".

Sự ra đời của Hiến pháp với tính chất là luật cơ bản gắn liền với thời kỳ giai cấp tư sản giành chính quyền trong cuộc đấu tranh chống lại Nhà nước chuyên chế phong kiến để thành lập ra một nhà nước dân chủ, mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là cuộc đấu tranh rất dai dẳng giữa một lực lượng tư sản tiến bộ muốn giành chính quyền về tay mình với giai cấp phong kiến cổ hổ đang cầm quyền. Trong cuộc đấu tranh này giai cấp tư sản đã đạt được sự liên minh với nhiều tầng lớp nhân dân lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra một cách rất lâu dài và phức tạp, lúc đầu sự thành công được thể hiện ở sự hạn chế quyền lực của vương triều bằng việc thành lập một cơ quan gọi là nghị viện, tồn tại bên cạnh vua hoặc thành lập một chế độ cộng hoà thừa nhận các quyền của các công dân có của, cùng với việc quy định các cách thức tổ chức và hoạt động của chính bản thân các cơ quan nhà nước. Rồi dần dần cuối cùng bằng việc lật đổ, xóa bỏ hoàn toàn sự cầm quyền của giai cấp phong kiến, thiết lập chế độ quyền lực thuộc về nhân dân. Khái niệm nhân dân thuở ban đầu chỉ bao gồm những người đàn ông da trắng có tài sản. Hiến pháp là bản văn ghi nhận thành quả của cuộc đấu tranh này, cùng với việc quy định cách thức thực hiện quyền lực của giai cấp tư sản, những người đàn ông da trắng có tài sản.

Bản văn có dấu hiệu mang tính hiến pháp đầu tiên của thế giới là bản Magna Charta. Đây là một bản Đại Hiến chương của nước Anh. Đây là Hiến chương về các quyền tự do mà giới quý tộc Anh thúc ép Quốc vương John ban hành năm 1215. Hiến chương này được coi là sự khởi đầu của một Chính phủ hạn chế và pháp trị ngược với nền quân chủ chuyên chế, nên nó được coi là tiên báo quan trọng đối với Hiến pháp Hoa kỳ.1 (American government and politics. Copyright 1993).

Văn bản có tính chất Hiến pháp đầu tiên là của cách mạng tư sản Anh (1640 - 1654), tức là văn bản quy định “Hình thức cai quản Nhà nước Anh, Xcotlen, Ailen...” (1653).

Sau khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (nước Mỹ) được thành lập, năm 1787 bản Hiến pháp của Nhà nước Mỹ đã ra đời. Đó cũng là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử được hiểu theo nghĩa phổ biến ngày nay. Những bản Hiến pháp tiếp theo ra đời ở châu Âu: Hiến pháp Ba Lan năm 1791, và Hiến pháp nước Pháp 1791 trong thời kỳ cách mạng tư sản Pháp.

Xét về mặt bản chất, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, Hiến pháp là một loại văn bản pháp lý đặc thù mang nội dung giai cấp một cách rất rõ rệt. Bản chất của kiểu Hiến pháp nói riêng, pháp luật nói chung đó đã được Mác-Ăng ghen nêu trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” nổi tiếng: “Pháp luật của các ông chủ chỉ là ý chí của giai cấp các ông được nâng lên thành luật, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện vật chất và đời sống của giai cấp các ông quyết định.”

Phải nói rằng, việc xem xét Hiến pháp cũng như mọi hiện tượng Nhà nước - pháp luật từ lập trường giai cấp là một trong các phát kiến vĩ đại của Mác - Ăng ghen, đưa lại cho học thuyết của hai ông tính cách mạng và tính khoa học sâu sắc. Mác - Ăng ghen chỉ ra rõ ràng mối quan hệ chặt chẽ giữa Hiến pháp và đời sống chính trị của một số nước.
Từ thực tế lịch sử của xã hội tư bản Pháp những năm 1848 -1851, Mác đã vạch rõ rằng Hiến pháp là kết quả của sự vận động của đời sống chính trị, không những nội dung mà cả hình thức của Hiến pháp đều chịu sự tác động trực tiếp của tiến trình đấu tranh giai cấp. khi xem xét Hiến pháp của nước Pháp (1848) Mác dã đưa ra một nhận xét mang tính tổng kết, khái quát cao có ý nghĩa chỉ đạo đối với cả việc xem xét tất cả các bản Hiến pháp khác. Theo Mác Hiến pháp1848 chỉ là sự ghi chép dưới hình thức một biên bản các sự kiện đang tồn tại, rằng Hiến pháp đó đã ghi nhận sự việc thành lập một nền cộng hòa, sự kiện về quyền phổ thông đầu phiếu, về quốc hội thống nhất có chủ quyền.

Về vấn đề bản chất của các loại Hiến pháp sau này cũng được Lênin khẳng định: “Các bản Hiến pháp là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài và vất vả giữa một bên là chế độ phong kiến, chế độ chuyên chế và một bên là giai cấp tư sản, nông dân, công nhân. Các Hiến pháp thành văn và không thành văn... đều là bản ghi chép thành quả đấu tranh thu được sau hàng loạt thắng lợi giành giật được một cách khó khăn của chế độ mới chống lại chế độ cũ mà hàng loạt thất bại mà chế độ cũ chống trả chế độ mới gây nên”.

Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản vẫn còn nhà nước. Vì vậy, việc tổ chức nhà nước vẫn còn, cho nên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Hiến pháp vẫn cần, nhưng nó mang một bản chất hoàn toàn khác trước đây. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp vẫn là văn bản quy định việc tổ chức Nhà nước, nhưng với bản chất khác hơn, thể hiện quyền lực thực sự thuộc về nhân dân không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ...

Nền tảng chính xây dựng nên một chính phủ dân chủ đó là hiến pháp - đó là sự tuyên bố chính thức các qui định, các giới hạn, các thủ tục và các định chế. Hiến pháp của một quốc gia là bộ luật tối cao của lãnh thổ đó, và tất cả mọi công dân, từ thủ tướng tới người dân đều chịu sự chi phối của nó. Ở mức độ tối thiểu, hiến pháp ( thường được hệ thống hóa thành một văn bản duy nhất) xây dựng quyền lực cho chính phủ quốc gia, mang lại sự đảm bảo cho các quyền cơ bản của con người và đưa ra các thủ tục hoạt động cơ bản cho chính phủ.

Như vậy, đối tượng điều chỉnh của hiến pháp là những mối quan hệ xã hội liên quan đến việc chế độ chính trị (chế độ nhà nước) dân chủ, quyền lực nhà nước không thuộc giai cấp phong kiến chuyên chế, độc tài, mà thuộc về nhân dân, mà thuở ban đầu khái niệm nhân dân chỉ bao gồm những người đàn ông da trắng có của, rồi dần dần với sự phát triển của dân chủ khái niệm nhân dân được mở rộng ra dần dần cho toàn thể nhân dân không phân biệt tài sản, giới tính, màu da, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, …

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài 19006198.