Trường hợp bản di chúc bị giả mạo thì di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật ( theo điều 675, 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Hỏi: Trong tuần vừa qua, ngày 20/8/2015 chính quyền địa phương có báo với gia đình chúng tôi là người dâu út đã gửi di chúc mà em dâu tôi nói là của mẹ đã di chúc lại cho em dâu tôi về căn nhà mà mẹ tôi đang đứng tên. Chúng tôi cũng cảm thấy bức xúc và nghi ngờ vì trong một thời gian từ lúc mẹ tôi mất đến thời điểm gia đình họp bàn bạc về việc thỏa thuận trên mảnh đất của mẹ tôi đứng tên thì hoàn toàn em dâu tôi không đề cập gì đến chuyện di chúc.Lần đầu tiên khi họp bàn, anh ba tôi là người đứng ra khơi gợi vấn đề để cùng nhau thỏa thuận trên mảnh đất của mẹ như sau: mảnh đất được rao bán cho các chị em (chị dâu thứ hai, anh ba, chị tư, anh năm, tôi và người em dâu út) vì chúng tôi vẫn ưu tiên người trong gia đình trước, sau đó lấy số tiền chia đều lại cho tất cả mọi người (chị dâu thứ hai, anh ba, chị tư, anh năm, tôi và người em dâu út) tức chia lại tiền cho cả người mua. Nhưng anh ba tôi nhấn mạnh là ưu tiên cho người dâu út mua vì đây là nơi mà người em dâu út tôi sinh sống từ trước giờ (giá cả phù hợp và thấp hơn giá thị trường sau khi đã nghiên cứu và lý giải cho mọi người trong gia đình), nhưng em dâu út tôi không mua. Do đó anh ba tôi vẫn cho mọi người 2 tuần lễ để suy nghĩ sau đó sẽ mở buổi họp gia đình thứ hai. Sau khoảng thời gian nêu trên, vẫn không ai có ý định bỏ tiền để mua lại, anh ba tôi lại đứng ra họp với phương án thứ hai là sẽ chia đều mảnh đất trên thành 6 phần bằng nhau cho tất cả mọi người (chị dâu thứ hai, anh ba, chị tư, anh năm, tôi và người em dâu út) và tiến hành bốc thăm chọn vị trí trên mảnh đất, ưu tiên cho em dâu út tôi bốc trước, sau khi đã bốc thăm đâu vào đó và được ghi chép biên bản thì cuối buổi họp để ký tên vào biên bản em dâu út tôi lại đổi ý không chịu ký và nói là mẹ có di chúc lại cho em dâu tôi và nói mọi người chờ môt khoảng thời gian sau em tôi sẽ đưa di chúc đó ra (lấy lý do là di chúc em dâu tôi đã đi gửi cho người khác vì sợ để ở nhà bị mất) sau hơn 2 tháng tức đến ngày 20/8 vừa qua em dâu út đã đem di chúc đó lên chính quyền (phường nơi cư trú). Chúng tôi thấy vô cùng bức xúc và nghi ngờ vì di chúc sau khi mẹ tôi mất sao em dâu tôi không trình báo, và ngay sau khi họp gia đình lần thứ nhất cũng không nói gì đến di chúc, đến lần họp thứ hai sau khi thỏa thuận bốc thăm thì cũng không nói gì đến di chúc chỉ đến khi anh ba tôi yêu cầu mọi người ký tên vào biên bản xác nhận thì em dâu út tôi bộc phát nói ra như vậy và tỏ ra rất bất bình, nói rằng mọi người trong gia đình tôi đối xử ép cho em và nói là mọi người hãy chờ một thời gian em tôi sẽ đưa ra di chúc đó. Xin đoàn luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này với các xử sự của em dâu tôi có đúng không và di chúc đó liệu có hợp lệ không, vì chúng tôi nghĩ rằng đó là di chúc giả mạo? (Bình An - Hà Giang)
Căn cứ theo điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về di chúc hợp pháp như sau:
"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực".
Theo quy định của luật có 4 loại di chúc bằng văn bản. Do bạn không nói rõ bản di chúc mà em dâu bạn đưa ra thuộc loại di chúc nào nên chúng tôi đưa ra các trường hợp để bạn tham khảo:
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng ( điều 655)
Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này. Tức là:
"1. Di chúc phải ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc".
Di chúc có người làm chứng (điều 656)
"Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc".
Đối với loại di chúc này, ngoài những yêu cầu về nội dung di chúc như đã nói ở trên, luật còn có yêu cầu đối với những người làm chứng. Theo đó, người làm chứng có thể là bất cứ ai trừ:
"1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự".
Di chúc có công chứng hoặc chứng thực ( điều 657, 658)
"1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;
2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền
chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng".
Từ những căn cứ trên, bạn có thể xác định loại di chúc và tính hợp pháp của bản di chúc. Trường hợp nghi ngờ bản di chúc bị giả mạo chữ ký thì gia đình có thể yêu cầu thẩm định chữ ký. Chữ ký là một dạng đặc biệt của chữ viết; chữ ký có thể thay đổi theo thời gian nhưng nó vẫn mang tính ổn định nhất định và có tính đặc trưng của người tạo ra nó. Việc thẩm định chữ ký (thực chất là giám định) nhằm xác định đó có đúng là chữ ký của mẹ bạn hay không, hay đó là chữ ký giả mạo. Để giám định chữ ký bạn có thể gửi đơn đến Cơ quan giám định tư pháp để yêu cầu. Nhưng nếu mẹ của bạn không còn tờ viết tay nào thì việc giám định chữ ký sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc có thể không thực hiện được.
Trường hợp bản di chúc bị giả mạo thì di sản của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật ( theo điều 675, 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận