Muốn để lại tài sản cho con phải lập di chúc theo quy định của pháp luật
Hỏi: Vợ chồng tôi là Kiều bào về thường trú tại Việt Nam, có làm chủ một căn hộ tại T/p Tân An và số tiết kiệm tại ngân hàng. Nay chúng tôi muốn làm di chúc cho con ở tại Mỹ. Xin luật sư cho biết thủ tục giấy tờ cần những gì? Nếu tôi muốn làm tờ di chúc thì lệ phí là bao nhiêu và tôi cần phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào? (Thúy Hà - Hải Dương)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Do bạn không nói rõ Quốc tịch hiện giờ của bạn là gì. Vì vậy chúng tôi sẽ chia ra làm hai trường hợp. Nếu hiện tại bạn có Quốc tịch nước ngoài thì theo Khoản 1 Điều 768 Luật Dân sự 2005,năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà bạn là công dân.
Nếu Quốc tịch hiện tại của bạn là Việt Nam, đểdi chúc có hiệu lực thì di chúc phải tuân thủ các điều kiện về người lập di chúc (được quy định tại Điều 647 và Điều 652 BLDS 2005); Điều kiện về người nhận di sản (Điều 643; Điều kiện về nội dung của di chúc (Điều 652 và Điều 653 BLDS 2005); Điều kiện về hình thức của di chúc (Điều 649 và Điều 650 BLDS 2005).Theo đó, bạn phải có giấy tờ chứng minh quyền tài sản của mình (như giấy hồng, giấy đỏ …), giấy khám sức khoẻ đủ điều kiện lập di chúc, CMND và hộ khẩu...
Về mặt hình thức, do bạn lập di chúc tại Việt Nam nên hình thức củadi chúc sẽ tuân theo pháp luật của Việt Nam (Khoản 2 điều 768 Bộ Luật Dân sự)
Sau khi lập di chúc, bạn có thể đến UBND cấp địa phương hayphòng công chứng để chứng thực hoặc công chứng di chúc của mình để đảm bảo tính xác thực của di chúc.
Thủ tục lập di chúc tại các cơ quan này tuân thủ theo quy định sau của Điều 658 Bộ luật Dân sự 2005:
"Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;
2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng".
Về chi phí để công chứng và chứng thực sẽ được quy định cụ thể ở từng địa phương vàcác văn phòng công chứng, bạn có thể tự tìm hiểu thêm.
Tuy nhiên, ngoài hình thức lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực còn có hai hình thức khác cũng được pháp luật công nhận, cụ thể:
Hình thức lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Người lập di chúc phải tự viết tay (không được đánh máy, in...) và ký vào bản di chúc. Nếu di chúc có nhiều trang, người lập di chúc phải đánh số thứ tự và ký vào từng trang của di chúc.
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội và phải có đầy đủ các nội dung được quy định trong Khoản 1 Điều 653. Bao gồm:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật, không được viết tắt.
Hình thức lập di chúc bằng văn bản, có người làm chứng
Để đảm bảo tính xác thực của di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người làm chứng về việc lập di chúc. Ngoài ra, pháp luật quy định trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Để đảm bảo di chúc có hiệu lực pháp luật, di chúc phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của di chúc (Điều 652 và Điều 653 BLDS 2005) và các điều kiện của người làm chứng, quy định tại Điều 654 BLDS 2005, bao gồm những người không thuộc những trường hợp sau:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận