Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2009, các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.
[?] Tôi vừa sáng tác một truyện ngắn, làm thế nào để đăng ký bản quyền tác giả, cách nào chặn việc sao chép lậu? (An Dương).
Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Phòng sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Everest trả lời như sau: Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 (sau đây gọi tắt là "Luật sở hữu trí tuệ"), các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.
Do đó, truyện ngắn anh/chị sáng tác thuộc thể loại tác phẩm văn học và được bảo hộ quyền tác giả.
Theo Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
Theo quy định tại điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018, thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện như sau:
1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp một bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp một bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM, thành phố Đà Nẵng).
Những người có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả như sao chép truyện ngắn của bạn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy để chống sao chép tác phẩm do mình tạo ra, bạn nên thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
Bình luận