-->

Thủ tục chuyển từ "sổ đỏ" sang "sổ hồng" năm 2017

Luật sư tư vấn về thủ tục chuyển từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (mẫu mới, thường gọi là "sổ hồng").

Hỏi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtcủa gia đình tôi được cấp từ năm 2003. Nay chúng tôi muốn đổi sang sổ mới, vì sổ cũ không ghi nhận căn nhà (tôi xây năm 2008), lại nhàu nát và đổi màu. Tôi được biết, hiện nay theo mẫu mới, sổ có màu hồng, có thể ghi nhận tài sản trên đất. Xin hỏi luật sư, chúng tôi phải thực hiện những thủ tục gì. Hiện tại, nhà và đất của gia đình tôi là không có tranh chấp. (Nguyễn Khiên - Quảng Ninh)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Công ty Luật TNHH Everest đưa ra một số ý kiến pháp lý liên quan tới thắc mắc của anh (chị), như sau:

Thứ nhất, giải thích sơ bộ về khái niệm "sổ đỏ", "sổ hồng".

"Sổ đỏ" và "sổ hồng" là tên gọi thông thường mà cá nhân, tổ chức hay gọi dựa trên màu sắc của hai loại sổ này. Thực chất sổ đỏ và sổ hồng là một loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhà nước cấp cho cá nhân, tổ chức.

- Sổ đỏ: là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước năm 2009, có bìa màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất: có thể là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng… nên mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.

- Sổ hồng: là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng với nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo quy định của Luật nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu".

Điều 97 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

"1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này".

Như vậy, "sổ đỏ" hay "sổ hồng" đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế, hiện nay vẫn đang lưu hành cả 03 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cả 03 đều có giá trị pháp lý như nhau. Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đang sử dụng "sổ đỏ" và "sổ hồng" nếu được cấp trước ngày 10/12/2009, mẫu giấy này vẫn được Nhà nước thừa nhận giá trị mà không buộc phải thay đổi trừ khi có nhu cầu.

Thứ hai, về điều kiện được cấp đổi Giấy chứng nhận.

Thủ tục cấp đổi được quy định tại Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15 tháng 05 năm 2014, như sau:

-Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau: (a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng; (c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất; (d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng" (khoản 1 Điều 76).

Như vậy, để được cấp "sổ hồng", anh/chị có thể làm thủ tục xin cấp đổi sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu mới hiện nay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 của Nghị định 43/2013/NĐ-CP như trên.

Thứ ba, quy định về trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận.

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

Anh/chị cần phải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận lên Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Thông tư 24/2014/TT/BTNMT. Hồ sơ bao gồm: (i) Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK; (ii) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

- Cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ và trả kết quả: Văn phòng đăng ký đất đai. Trường hợp anh/chị có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Thứ tư, về thời hạn giải quyết.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là: không quá 07 ngày.

Thứ năm, về lệ phí cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Điểm e khoản 2 Điều 5 Thông tư số 250/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 11 tháng 11 năm 2016 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định:

"Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất gồm: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; chứng nhận đăng ký biến động về đất đai; trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính.

Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân".

Hiện nay Thông tư này không có quy định về mức tối đa được phép thu, nhưng theo quy định của Thông tư số 02/2014/TT-BTC (đã hết hiệu lực), thì mức tối đa được áp dụng là không quá 50.000 đồng.

Luật gia Bùi Ánh Vân, Phòng tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.