-->

Thắc mắc về hợp đồng thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm một số điều kiệ.

Hỏi: Ngày 15/03/2015 em làm thử việc tại công ty đến ngày 01/06/2015. Giám đốc có nói với em là chính thức nhận em vào làm nhân viên chính thức nhưng tới 01/07/2015 mới bắt đầu kí hợp đồng thời hạn 01 năm và tới khi kí hợp đồng mới đóng bảo hiểm. Trong thời gian kí hợp đồng em không được hưởng phép năm vì quy định của công ty là làm đủ 01 năm mới được tính phép năm và phép năm chỉ được nghỉ sau khi đã đã làm nhân viên chính thức một năm. Vì bất bình với mức lương nên ngày 05/04/2016 em nộp đơn thôi việc cho Giám đốc và ghi rõ thời gian nghỉ là 05/05/2016. Nhưng tới ngày 13/04/2016 Giám đốc gặp em và nói làm hết ngày 15/04/2016 là em có thể nghỉ vì lí do đã tuyển được người nên em có thể nghỉ không dư người làm. Tới ngày 15/04/2106 em nhận được quyết định nghỉ việc từ ngày 13/04/2016. Cho em hỏi:

1/ Giám đốc cho em thử việc trong thời gian trên có vi phạm luật lao động không?

2/ Ngày nghỉ phép năm tính như vậy là đúng luật hay sai luật? Vì em làm gần 01 năm rồi mà chưa được tính ngày phép năm nào cả.

3/ Thời gian Giám đốc cho em nghỉ việc như vậy là đúng hay sai? Nếu em muốn đòi lại quyền lợi cho mình thì phải làm sao? (Kiên Ứng - Thanh Hóa)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (26/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1/Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định về thử việc như sau:

"Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác."

Bạn không nêu rõ công việc của mình là gì nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn về thời gian thử việc chính xác nhất. Nhưng có thể thấy, thời gian thử việc tối đa là không quá 60 ngày. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn thử việc tại công ty là 79 ngày. Như vậy, thời gian thử việc công ty áp dụng với bạn là sai quy định pháp luật.

2/ BLLĐ cũng quy định về nghỉ phép năm như sau:

"Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành."

Như vậy, bạn phải làm việc tại công ty đủ 12 tháng (hay 1 năm) thì bạn mới có quyền được nghỉ phép năm. Vậy công ty bạn quy định như vậy là đúng quy định pháp luật.

3/ Thời gian nghỉ việc:

Trong trường hợp này,bạn chưa làm hết thời gian quy định trong hợp đồng mà chấm dứt hợp đồng, theo quy định tại Điều 37 BLLĐ như sau:

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

Theo đó, bạn chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 37, nếu không, bạn sẽ là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Hơn nữa, Bạn làm việc tại đây theo hợp đồng có thời hạn 1 năm, nên theo điểm b Khoản 2 Điều 37 bạn sẽ phải báo trước ít nhất 3 ngày. Như vậy, bạn nộp đơn xin nghỉ việc từ 5/4/2016 thì sớm nhất là 8/4/2016 bạn mới được nghỉ việc,chứ không thể nghỉ việc ngay vào ngày 5/4/2016 được. Việc GĐ yêu cầu như vậy được coi là sự thỏa thuận của hai bên để chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 BLLĐ, và bạn cũng chấp nhận thời gian này. Như vậy quy đinh của GĐ bạn như vậy không vi phạm quy định pháp luật.

Trong trường hợp bạn, quyền lợi của bạn bị xâm phạm là trong thời gian thử việc, vì công ty đã thử việc bạn quá thời gian mà pháp luật cho phép, hơn nữa, sau khi hoàn thành HĐ thử việc mà không ký kết HĐLĐ ngay theo quy định tại điều 7 nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

"Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử

1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động,người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao độngvới người lao động.

2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động."

Như vậy, công ty CPSX ĐQ phải ký hợp đồng ngay với bạn để bạn được hưởng mức lương chính thức theo như hợp đồng chính. Nếu như bạn cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, bạn có thể thông qua Hòa giải viên lao động để thương lượng giải quyết theo quy định Tại Điều 201 BLLĐ:

"Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết."

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.