Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự

Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận cho các chủ thể hai loại quyền dân sự: quyền có tính chất tài sản và quyền không có tính chất tài sản (còn gọi là quyền nhân thân).

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, quyền có tính chất tài sản

Là những quyền định giá được bằng tiền, là quan hệ giữa các chủ thể mà có đối tượng là một giá trị tài sản. Có những quyền được thực hiện trực tiếp trên một vật cụ thể (gọi là quyền đối vật); có những quyền tương ứng với những nghĩa vụ mà người khác phải thực hiện (gọi là quyền đối nhân).

- Quyền đối vật: các vật mà trên đó quyền đối vật được thực hiện rất đa dạng; bản thân các quyền đối vật cũng có thể được phân thành nhiều loại.

+ Phân loại vật: ta chỉ ghi nhận một vài cách phân loại tiêu biểu.

Động sản và bất động sản: bất kỳ tài sản nào cũng chỉ có thể hoặc là bất động sản hoặc là động sản. Luật phân biệt động sản và bất động sản chủ yếu dựa vào tiêu chí vật lý: bất động sản là tài sản không di dời được (đất, nhà ở, công trình xây dựng và nói chung, các tài sản gắn liền với đất); động sản là tài sản di, dời được (bàn, ghế, xe máy,...). Mặt khác, có những động sản được coi là bất động sản do có công dụng như bất động sản; có những bất động sản được coi như động sản do chỉ có thể được chuyển giao trong giao lưu dân sự như động sản.

Vật hữu hình và vật vô hình: vật hữu hình là vật có thể nhận biết được bằng giác quan tiếp xúc: nhà, đồng hồ, xe máy,... Vật vô hình là ý niệm của luật về những giá trị tài sản phi vật thể (quyền tác giả, các yếu tố vô hình thuộc sản nghiệp thương mại,...).

Vật chuyển giao được và vật không chuyển giao được trong giao lưu dân sự: trên nguyên tắc, các quyền có tính chất tài sản chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Song, cũng có những quyền có giá trị tài sản không thể được chuyển giao, do được gắn liền với nhân thân của người có quyền như quyền được cấp dưỡng, quyền hưởng trợ cấp mất sức,...

+ Phân loại quyền đối vật:

Quyền mà việc thực hiện tác động trực tiếp lên đối tượng: thuộc nhóm này có thể kể ra: quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền sở hữu bề mặt, quyền thuê quyền sử dụng đất ở, đất chuyên dùng,...

Quyền có đối tượng là giá trị tiền tệ của một hoặc nhiều tài sản cụ thể: quyền này được xác lập nhằm bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ tài sản. Nó có đối tượng là tài sản của người khác và cho phép người có quyền được yêu cầu xử lý tài sản theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Ta có quyền nhận thế chấp, nhận cầm cố tài sản là những ví dụ tiêu biểu của loại quyền này.
- Quyền đối nhân: là quyền của một người, được phép yêu cầu một người khác thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Đó có thể là nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản.

Thứ hai, quyền nhân thân

Quyền chính trị - Trên nguyên tắc các quyền chính trị của các chủ thể của quan hệ pháp luật thuộc phạm vi điều chỉnh của công pháp. Song, một số quyền có ý nghĩa chính trị được liệt kê trong nhóm các quyền nhân thân theo nghĩa của pháp luật dân sự: quyền xác định dân tộc, quyền đối với quốc tịch, quyền được bảo đảm an toàn về chỗ ở, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do đi lại, cư trú.

Quyền gia đình - Gồm các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ giữa những thành viên trong gia đình: quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình,... Các quyền gia đình, trên nguyên tắc, không có tính chất tài sản; nhưng cũng có những quyền gia đình có tính chất tài sản, như quyền của vợ, chồng đối với tài sản chung, quyền thừa kế theo pháp luật.

Quyền nhân thân đúng nghĩa - Các quyền này rất đa dạng trong luật dân sự: các quyền đối với thân thể (quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể); các quyền trong đời sống dân sự (quyền đối với họ, tên, hộ tịch, quyền kết hôn, quyền ly hôn,...); các quyền trong quan hệ công (quyền tự do đi lại, cư trú); các quyền được tôn trọng đối với đời tư (quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền đối với bí mật đời tư); các quyền nhân thân của người sáng tạo ra tác phẩm văn chương, nghệ thuật, khoa học; các quyền trong đời sống kinh tế (quyền tự do kinh doanh);...

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.