Công ty Luật TNHH Everest giới thiệu về quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
1.Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá và tổ giúp việc.
1.1. Cơ quan quyết định cổ phần hoá ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá đồng thời với Quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp.
1.2. Trưởng Ban chỉ đạo lựa chọn và ra quyết định thành lập Tổ giúp việc cổ phần hoá trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá(theo Phụ lục tại NĐ 59/2011/NĐ-CP).
2.Chuẩn bị hồ sơ tài liệu:
Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với doanh nghiệp tiến hành:
2.1.Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2.2. Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sau:
- Các Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp.
- Các Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp.
- Hồ sơ về công nợ (đặc biệt là các khoản nợ tồn đọng, các khoản nợ đã xử lý theo chế độ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).
- Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của công ty đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
- Hồ sơ về tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý, tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng phúc lợi (nếu có).
- Hồ sơ về các khoản vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác như: góp vốn liên doanh, góp vốn cổ phần, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư dài hạn khác.
- Lập phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Lập dự toán chi phí cổ phần hóa theo chế độ quy định.
3.Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp(quy định tại điều 31 Nghị định 59/2011/NĐ-CP và khoản 9 Điều 18 Thông tư 202/2011/TT-BTC)
Trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất gửi Sở Tài chính thẩm định và xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất trình Uỷ ban nhân dân thành phố.Phương án sử dụng nhà, đất khi chuyển sang công ty cổ phần cần đảm bảo các thông tin sau:
- Địa chỉ khu nhà, đất;
- Diện tích khu đất
- Hồ sơ pháp lý;
- Hiện trạng sử dụng
- Phương án sắp xếp lại nhà, đất theo Quyết định 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị phương án sử dụng đất khi chuyển sng công ty cổ phần:
+ Phương án sử dụng đất cụ thể;
+ Hình thức thuê hay giao đất.
4. Lập danh sách và phương án sắp xếp lao động đang quản lý:
- Danh sách người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp để xác định số cổ phần dự kiến người lao động được mua ưu đãi.
- Lập danh sách lao động thường xuyên làm việc tại công ty tại thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, phân loại lao động theo các đối tượng: hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ 1-3 năm, danh sách lao động dôi dư…
- Lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ về việc Quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
5.Kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp:
5.1.Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp
-Doanh nghiệp cổ phần hóa có tổng giá trị tài sản theo sổ sách kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên phải thuê các tổ chức có chức năng định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp (quy định tạiĐiều 22 NĐ 59/2011/NĐ-CP)
- Cơ quan quyết địnhcổ phần hoá lựa chọn (hoặc đấu thầu lựa chọntrong trường hợp có từ 2 tổ chức tư vấn định giá đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ) tổ chức định giá để giao cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng định giá.
- Thời gian hoàn thành: Không quá 30 ngày theo lịch kể từ ngày được cung cấp đầy đủ thông tin(quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 202/2011/TT-BTC).
5.2. Doanh nghiệp cổ phần hóa không thuộc đối tượng phải thuê tổ chức tư vấn định giá thì doanh nghiệp tự xác định giá trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thuê tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự lựa chọn tổ chức tư vấn định giá mà không phải tổ chức đấu thầu
5.3. Ban chỉ đạo thẩm tra kết quả kiểm kê, phân loại tài sản và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố
5.4. Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp:
-Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban chỉ đạo cổ phần hoá, cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp phải ra quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá (Điều 24 NĐ 59/2011/NĐ-CP).
- Kết quả công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá cổ phần
- Thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá đảm bảo cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tối đa không quá 6 tháng (đối với doanh nghiệp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản). Trường hợp quá thời hạn trên chưa công bố giá trị doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian công bố giá trị doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm nguyên tắc việc công bố giá trị doanh nghiệp và việc tổ chức bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hoá cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 12 tháng(theo điểm 3 Điều 15 Nghị định 59/2011/NĐ-CP)
6.Hoàn tất Phương án cổ phần hoá:
6.1. Lập Phương án cổ phần hoá:
Căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế của doanh nghiệp, Ban chỉ đạo xem xét quyết định thuê tổ chức tư vấn hoặc giao cho Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập Phương án cổ phần hoá với các nội dung chính sau:
a) Giới thiệu về công ty, trong đó mô tả khái quát về quá trình thành lập công ty và mô hình tổ chức của công ty; tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong 3 - 5 năm liền kề trước khi cổ phần hoá.
b) Đánh giá thực trạng của công ty ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, bao gồm:
- Thực trạng về tài sản (bao gồm cả diện tích đất được giao hoặc thuê).
- Thực trạng về tài chính, công nợ.
- Thực trạng về lao động.
c) Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và những vấn đề cần tiếp tục xử lý.
d) Hình thức cổ phần hoá và vốn điều lệ theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần.
- Hình thức cổ phần hoá
- Vốn điều lệ
e) Cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm và phương thức phát hành cổ phần theo quy định
- Cơ cấu vốn điều lệ:
+ Cổ phần nhà nước nắm giữ.
+ Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và cổ phần bán đấu giá cho nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ, ngoại trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 36 - Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Số cổ phần bán đấu giá cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên.
+ Cổ phần ưu đãi bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá: Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được sử dụng nguồn quỹ công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá (theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Công đoàn; không huy động, vay vốn) để mua cổ phần ưu đãi nhưng không quá 3% vốn điều lệ.
+ Cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 48 Nghị định 59/2011/NĐ-CP (kèm theo danh sách người lao động được mua cổ phần ưu đãi)
- Giá khởi điểm.
- Đơn vị tổ chức bán cổ phần
- Phương thức phát hành cổ phần lần đầu.
f) Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược
g) Phương án sắp xếp lại lao động:
- Số lao động có tên trong danh sách thường xuyên ở thời điểm có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
- Số lao động tiếp tục tuyển dụng.
- Số lao động dôi dư và phương án giải quyết theo từng đối tượng.
h) Chi phí cổ phần hóa theo quy định của Bộ Tài chính
i) Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo, trong đó nêu rõ:
- Phương án cơ cấu lại doanh nghiệp khi chuyển thành công ty cổ phần: sắp xếp lại các bộ phận trong doanh nghiệp, đổi mới ngành nghề kinh doanh; đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh của các năm tiếp theo về sản phẩm, sản lượng, thị trường, lợi nhuận … và các giải pháp về vốn, nguyên liệu, tổ chức sản xuất, lao động tiền lương, …
k) Phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
l) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần theo các quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành.
6.2. Hoàn thiện Phương án cổ phần hoá.
a) Căn cứ quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện Phương án cổ phần hoá và gửi tới từng bộ phận trong công ty để nghiên cứu trước khi tổ chức hội nghị công nhân viên chức (bất thường).
b)Tổ chức Hội nghị công nhân viên chức (bất thường) để lấy ý kiến hoàn thiện phương án cổ phần hoá.
c) Sau Hội nghị công nhân viên chức, Tổ giúp việc, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện Phương án cổ phần hoá để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Ban chỉ đạo thẩm định phương án cổ phần hoá báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá phê duyệt.
6.3. Mở tài khoản phong toả.
Doanh
nghiệp cổ phần hoá phải mở một tài khoản riêng biệt tại ngân hàng thương mại để
phong toả số tiền thu từ cổ phần hoá. Thời gian tối đa hoàn tất việc mở tài
khoản phong toả là 15 ngày kể từ ngày phương án cổ phần hoá được phê duyệt
(theo điểm 4 Điều 6 Thông tư 196/2011/TT-BTC)
2. Tổ chức bán cổ phần.
1. Ban chỉ đạo cổ phần hoá quyết định công bố thông tin về doanh nghiệp trước khi tổ chức đấu giá tối thiểu là 20 ngày (theo điểm 2 Điều 7 Thông tư 196/2011/TT-BTC). Nội dung thông tin về doanh nghiệp cổ phần hoá được lập theo phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư 196/2011/TT-BTC. Thông tin được công bố tại doanh nghiệp, nơi bán đấu giá và trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Tổ chức bán cổ phần:
2.1. Tổ chức bán đấu giá cho các nhà đầu tư thông thường:
a) Đối với trường hợp bán đấu giá trực tiếp tại doanh nghiệp:
Ban chỉ đạo cổ phần hoá và doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá cổ phần cho nhà đầu tư.
b) Đối với trường hợp bán cổ phần tại tổ chức tài chính trung gian:
- Ban chỉ đạo và doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tài chính trung gian thực hiện việc bán cổ phần theo quy định.
- Giá bán theo phương thức đấu giá công khai là giá đấu thành công của các nhà đầu tư
2.2. Bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược: Số lượng nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp tối đa là 03 nhà đầu tư (quy định chi tiết tại điểm 5 điều 6 Thông tư 196/2011/TT-BTC)
Trên cơ sở kết quả bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cơ quan quyết định cổ phần hoá phê duyệt danh sách nhà đầu tư chiến lược.
2.3. Trên cơ sở kết quả bán đấu giá công khai hoặc kết quả bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Ban chỉ đạo cổ phần hoá chỉ đạo doanh nghiệp bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn (nếu có) theo phương án được duyệt.
Giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn (nếu có) bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước)
Thời gian hoàn thành việc bán cổ phần không quá 3 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá(Theo Điều 41 Nghị định 59/2011/NĐ-CP)
3. Căn cứ vào kết quả tổng hợp bán cổ phần cho các đối tượng theo quy định trong phương án cổ phần hoá, Ban chỉ đạo cổ phần hoá chỉ đạo doanh nghiệp chuyển tiền thu từ bán cổ phần về quỹ theo quy định.
Trường hợp không bán hết cổ phần cho các đối tượng theo phương án cổ phần hoá được duyệt, Ban chỉ đạo cổ phần hoá báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá ra quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá.
4. Ban chỉ đạo cổ phần hoá báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cử người làm đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá có vốn nhà nước tiếp tục tham gia trong công ty cổ phần và chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.
1.Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất.
Ban Chỉ đạo cổ phần hoá chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất để thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát và bộ máy điều hành công ty cổ phần.
2.Căn cứ vào kết quả Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực hiện đăng ký kinh doanh, nộp con dấu của doanh nghiệp cũ và xin khắc dấu của công ty cổ phần.
(Thời gian để hoàn tất các nội dung quy định tại điểm 1, điểm 2 Bước 3 không quá 30 ngày - Theo Điều 45 NĐ 59/2011/NĐ-CP)
3.Lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, quyết toán chi phí cổ phần hoá, kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá (Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu)
4.Tổ chức ra mắt công ty cổ phần và thực hiện bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
5.Tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
- Hồ sơ bàn giao doanh nghiệp cổ phần hoá sang công ty cổ phần bao gồm:
+ Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
+ Báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần đã được kiểm toán và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
+ Quyết định xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan có thẩm quyền.
+ Biên bản bàn giao tài sản, tiền vốn được lập tại thời điểm bàn giao (có bảng chi tiết công nợ bàn giao cho công ty cổ phần tiếp tục kế thừa và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý - nếu có).
+ Các báo cáo về tình hình lao động và sử dụng đất của doanh nghiệp.
- Thời hạn hoàn thành bàn giao không quá 30 ngày kể từ ngày có phê duyệt quyết toán tài chính thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chuyển sang công ty cổ phần.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan quyết định cổ
phần hoá, Ban chỉ đạo cổ phần hoá, Tổ giúp việc và doanh nghiệp có thể tiến
hành đồng thời nhiều bước một lúc để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh
nghiệp.
Bình luận