Để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành mới nhiều đạo luật, chính sách quan trọng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018 đã tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đạo luật được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mong đợi sẽ tạo sân chơi bình đẳng và là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Thứ nhất, hỗ trợ tiếp cận tín dụng
Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại thì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã quy định các cơ chế cụ thể để khuyến khích ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thay đổi theo từng thời kỳ tùy vào tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó: 1- Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa; 2- doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; 3- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 9 của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. (Điều 8 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017)
Thứ hai, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
“Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Đồng thời, quỹ có chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh”. (Điều 9 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017)
Ngoài raNghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/03/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 08/03/2018 hướng dẫn chi tiết điều này.
Thứ ba, hỗ trợ thuế, kế toán
Điều 10 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã quy định: doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm giảm nguồn thu ngân sách trong thời gian ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực tích lũy, năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, hỗ trợ mặt bằng sản xuất
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 thì: “căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”. Bên cạnh đó, địa phương phải bố trí trong quy hoạch quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa làm mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa là 05 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng (khoản 2). Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho được thực hiện thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để giảm giá cho thuê mặt bằng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số tiền bù giá được trừ vào số tiền thuê đất hoặc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Thứ năm, hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập theo hình thức đối tác công tư cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Đồng thời, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ cụ thể như: (i) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; (ii) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ sáu, về hỗ trợ mở rộng thị trường
Nhằm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xác lập được thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá ngay tại thị trường nội địa, Nhà nước cần có chính sách phù hợp phát triển hệ thống bán lẻ thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, từ đó mới tạo ra được sản phẩm cạnh tranh của địa phương và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa giành được vị thế ngay tại thị trường nội địa. Với mục tiêu đó, tại khoản 1 Điều 13 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư. Doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập chuỗi phân phối sản phẩm”. Các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm nếu có ít nhất 80% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được hưởng các hỗ trợ sau đây: (i) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; (ii) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thứ bảy, về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý
Các thông tin doanh nghiệp được hỗ trợ gồm: (i) Thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Thông tin chỉ dẫn kinh doanh; thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp; (iii) Các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật. Các thông tin trên được công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Về vấn đề tư vấn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là mạng lưới tư vấn viên). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây: (i) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; (ii) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật.
Thứ tám, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Đối với sự phát triển của bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào thì nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đem lại thành công. Vì vậy, để đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn nhân lực tốt, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã quy định chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực như sau: (i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Thứ chín, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanhh được hỗ trợ nếu đáp ứng 02 điều kiện: (i) Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Theo đó, các nội dung hỗ trợ bao gồm:(-)Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; (-)Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (-)Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; d) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; (-)Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cũng quy định hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng dẫn chi tiết điều này.
Thứ mười, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định các điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ gồm: (i) Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (ii) Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
Các nội dung hỗ trợ: (i) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; (ii) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; (iii) Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (iv) Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; (v) Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.
Thứ mười một, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau đây: a) Đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư; b) Nhà đầu tư tư nhân góp vốn vào quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình.
Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc như: (i) Lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; (ii) Khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn; (iii) Tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ mười hai, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: a) Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành; b) Có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị (khoản 1 Điều 19). Theo đó, nội dung hỗ trợ bao gồm: (i) Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (ii) Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (iii) Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (iv) Hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (v) Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng (khoản 2 Điều 19).
Thứ mười ba, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ thực hiên chức năng sau đây: (i) Cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (ii) Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 đã và đang dần đi vào đời sống của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hi vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp được nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển nền kinh tế của đất nước./.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, sưu tầm, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận