Việc đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam là một bước tiến trong cải cách tư pháp, là cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và cũng phù hợp với xu hướng pháp luật tiên tiến trên thế giới.
"1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
2. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
4. Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
5. Người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo.
6. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm".
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao và Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao vừa xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền mà bị can, bị cáo đã đặt để thực hiện và cụ thể hóa quy định tại Điều 122 BLTTHS năm 2015.
Theo đó, việc đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam có một số nguyên tắc cơ bản như sau:
Cụ thể, Điều 5 dự thảo Thông tư liên tịch quy định: Mức tiền đặt để bảo đảm sẽ không dưới 30 triệu đồng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng với trường phạm tội nghiêm trọng và 200 triệu đồng đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Dự thảo cũng xác định, đối với một số trường hợp đặc biệt như gia đình bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người thuộc dân tộc thiểu số… thì các cơ quan tố tụng nêu trên có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định tại Điều 5 của Thông tư.
Để được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án thì khi đặt tiền, bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan chức năng; không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội hoặc không gây nguy hiểm cho xã hội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu bị can, bị cáo thực hiện không đúng các cam kết thì lập tức sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Thứ ba, những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam.
Cùng với các nội dung nêu trên, dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao cũng quy định rõ những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam, gồm: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và bị can, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2, Điều 3 của dự thảo). Về thời hạn đặt tiền để không bị tạm giam, dự thảo quy định không quá thời hạn điều tra, truy tố và xét xử. Khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKSND, TAND có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
Từ những trình bày trên, có thể thấy việc đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam có ý nghĩa quan trọng thế nào?
Việc đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam thể hiện tính nhân văn của quy định pháp luật. Cụ thể, kế thừa tinh thần của BLTTHS cũ và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, BLTTHS năm 2015 tiếp tục coi trọng ý nghĩa nhân văn này. Biện pháp tạm giam sẽ từng bước được hạn chế đến mức thấp nhất. Mặt khác, thực tế cho thấy việc tạm giam bị can, bị cáo thường kéo theo nhiều hệ lụy. Những hệ lụy thường thấy khi áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là sức khỏe, tinh thần bị suy giảm và thậm chí tính mạng bị xâm phạm; công việc sản xuất, kinh doanh bị đình đốn; kinh tế gặp nhiều khó khăn; những người sống phụ thuộc vào người bị tạm giam bị ảnh hưởng nặng nề… Do đó mà cần những biện pháp ngăn chặn khác, trong đó đặt tiền để được tại ngoại luôn là biện pháp tích cực nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có đối với người phạm tội.
Như vậy, biện pháp đặt tiền để bị can, bị cáo tại ngoại cần được áp dụng một cách sâu rộng, triệt để. Tuy nhiên là không phải bất kỳ loại tội nào cũng được áp dụng biện pháp nhân văn này. Mức tiền bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án đang được đề xuất là từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi lẽ đây được xem như loại tiền “đặt cọc” để đảm bảo rằng người có hành vi phạm pháp sẽ không bị giam giữ nhưng phải chấp hành đúng quy định của cơ quan tố tụng đề ra. Và nếu họ vi phạm một trong số những quy định, điều kiện thì sẽ bị tạm giam trở lại, đồng thời sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền “đặt cọc”.
Luật sư Nguyễn
Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Bình luận