-->

Phải làm gì khi bị công ty cho nghỉ việc?

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích...

Hỏi: Tôi có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty từ ngày 01/08/2012. Nay công ty tôi gặp khó khăn về tài chính. Phòng nhân sự có thông báo bằng miệng (chưa có văn bảng chính thức) là trong vòng 01 tháng nữa công ty sẽ kết thúc hợp đồng với tôi. Phòng nhân sự nói, công ty sẽ tạo điều kiện cho tôi tìm công việc khác và kết thúc sớm khi có việc mới.

Tôi xin hỏi luật sư: Nếu công ty không gửi văn bảng chấm dứt hợp đồng lao động với tôi, thì tôi phải làm thế nào để có thể nhận bồi thường? Nếu công ty gửi văn bảng thôi việc, sa thải, hoặc kết thúc hợp đồng của tôi thì tôi giải quyết như thế nào? (Minh Hiếu - Hòa Bình)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trường hợp của anh, theo như thông tin anh cung cấp xin được tư vấn cho anh theo ba trường hợp sau:

Thứ nhất: trường hợp của anh không phải là xử lý kỷ luật sa thải.

Vì khi người sử dụng lao động muốn sa thải một người lao động phải có các lý do được quy định tại điều 126 của Bộ luật lao động 2012. Còn nếu không có một trong các quy định tại điều 126 Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động không được phép sa thải người lao động.

"Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải: Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động".

Thứ hai: Anh và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau về chấm dứt hợp đồng lao động

Anh có nêu trường hợp của anh là người sử dụng lao động đã đưa ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với anh trước một tháng. Nếu như anh đồng ý với thông báo đấy thì anh và nguời sử dụng lao động thỏa thuận là chấm dứt hợp đồng lao động theo như khoản 3 điều 36 Bô luật lao động "người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động".

Trường hợp này anh sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu anh đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định điều 49 của luật việc làm 2013 và khi chấm dứt hợp đồng trong thời hạn ba tháng anh làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại điều 46 luật việc làm.

Thứ ba: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh.

Trường hợp này khi người sử dụng lao động đã báo trước với anh như vậy dù anh có đồng ý hay không đồng ý thì người sử dụng lao động vẫn sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh. Tuy nhiên, người sử dụng lao động đã vi phạm thời hạn báo trước vì hợp đồng của anh là hợp đồng không xác định thời hạn, do đó, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ báo trước ít nhất 45 ngày ( quy định tại điểm d, khoản 2 điều 38 Bộ luật lao động 2012).

Căn cứ vào quy định tại khoản 5 điều 42, khi người sử dụng lao động vi phạm thời hạn báo trước có nghĩa vụ phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền lương tương ứng của người lao động trong những ngày không báo trước. Có nghĩa là trường hợp của anh luật định phải báo trước 45 ngày nhưng anh chỉ được báo trước có 30 ngày, còn 15 ngày thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải bồi thường cho anh trong 15 ngày không báo trước đấy.

"Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước".

Bên cạnh đấy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy thì người sử dụng lao động phải căn cứ vào các quy định tại điều 38 của Bộ luật lao động. Nếu không có một trong các lý do nêu trong khoản 1 điều 38 thì sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và người sử dụng lao động sẽ phải có nghĩa vụ đối với người lao động theo như quy định tại điều 42 của Bộ luật lao động.

"Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này".

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng nói trên, thì luật không có quy định là bắt buộc phải thông báo bằng văn bản do đs có thể thông báo là bằng lời nói. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho mình, anh có thể yêu cầu người sử dụng lao động thông báo bằng văn bản cho mình, kể cả thời hạn báo trước.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.