Để tránh sự bỡ ngỡ và thiếu sót trong quá trình soạn thảo và giao kết hợp đồng, Chúng tôi khuyến nghị khách hàng lưu ý một số điều khoản cơ bản, cần thiết trong hợp đồng như sau:
Chủ thể của hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng là điều cơ bản đầu tiên cần lưu ý. Thông tin về chủ thể, các giấy tờ chứng minh nhân thân, giấy đăng ký thành lập/hoạt động, thông tin liên lạc, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền... là những nội dung tối thiểu cần có của bên giao kết hợp đồng.
Điều khoản định nghĩa
Trong những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành, có những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, hoặc có nhiều nghĩa, dễ gây nhầm lẫn, hiểu lầm nếu không được được giải thích rõ ràng mà pháp luật chuyên ngành không có giải thích/định nghĩa, hoặc thậm chí không có văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, hoặc do sự khác biệt văn hóa, vùng miền, hoặc có các ký hiệu viết tăt, thì điều khoản định nghĩa là rất cần thiết, đặc biệt đối với các hợp đồng ngoại thương, hợp đồng giám sát xây dưng, hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Điều khoản định nghĩa là sự thống nhất cách hiểu về các thuật ngữ, từ viết tắt, nội dung được đề cập trong Hợp đồng để các bên đạt đến sự rõ ràng nhất định, tránh rủi ro trong vấn đề tranh chấp hợp đồng do cách hiểu khác nhau, đồng thời giúp cho cơ quan xét xử hiểu rõ những nội dung các bên đã thỏa thuận và có cách xử lý, phán quyết phù hợp, chính xác.
Bên cạnh đó, điều khoản định nghĩa sẽ rất cần thiết đối với các hợp đồng ngoại thương, nhằm giải thích các thuật ngữ, tránh sự bất đồng về văn hóa, tập quán giao thương của các bên và tránh được xung đột do không hiểu đúng các thỏa thuận sau này.
Đối tượng của hợp đồng
Trong hợp đồng mua – bán hàng hóa, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa, sản phẩm có các thông số kỹ thuật, chất lượng và các thông tin sản phẩm rõ ràng.
Trong hợp đồng cung ứng dịch vụ, đó là những thông tin về dịch vụ được cung ứng tới khách hàng, các đặc điểm/đặc thù, yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ đó.
Trong hợp đồng thương mại, các bên càng cụ thể, chi tiết các thông tin về hàng hóa, càng tránh được các rủi rõ trong thực hiện hợp đồng, đặc biệt, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng phải đảm bảo không thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.Đối với hàng hóa bị hạn chế kinh doanh, doanh nghiệp lưu ý các điều kiện đối với hàng hóa khi giao kết hợp đồng, các điều kiện theo quy định của pháp luật thường được quy định tại các văn bản:Luật thương mại 2005; Nghị định số: 59/NĐ-CP ngày 12/06/2006 về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Nghị định số:12/NĐ – CP ngày 23/01/2006 về mua bán, gia công, đại lý hàng hoá quốc tế; Thông tư số: 04/TT-BTM ngày 06/04/2006...
Giá cả và phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán
Giá cả có thể là giá cố định hoặc nếu không có giá cố định thì phải đưa ra cách xác định giá cả một cách thống nhất (nội dung này thường phụ thuộc vào thời hạn thực hiện hợp đồng và tính ổn định của hàng hóa trên thị trường).
Phương thức thanh toán có thể là trực tiếp, gián tiếp, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Việc sử dụng các phương thức thanh toán phụ thuộc vào giá trị hợp đồng, độ tin tưởng của các bên và các công tác nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, ngân hàng... Doanh nghiệp có thể sử dụng một số phương thức thanh toán phổ biến hiện nay như nhờ thu, tín dụng chứng từ...
Về đồng tiền thanh toán, thông thường đối với các hợp đồng mang tính thuần nội địa (tức là hợp đồng không có yếu tố nước ngoài) thì việc quy định đồng tiền thanh toán được sử dụng mặc định là tiền đồng Việt Nam theo quy định trong Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013:
"Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam"
Phạt vi phạm và bồi thường
Trong điều khoản phạt vi phạm, các bên tự do lựa chọn chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng, mang tính chất răn đe, phòng ngừa, trừng phạt đối với các bên.
Việc quy định điều khoản phạt vi phạm phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các bên, vào sự cân nhắc thấy sự cần thiết có điều khoản phạt vi phạm hay không. Điều khoản phạt vi phạm phải tuân thủ về mức phạt vi phạm được quy định trong Hợp đồng thương mại.Điều 301: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.
Nội dung điều khoản phạt vi phạm có thể bao gồm: mức phạt vi phạm, trường hợp phạt vi phạm, thời hạn thanh toán chi phí phạt vi phạm, thậm chí cả mức lãi suất đối với trường hợp chậm trả chi phí phạt vi phạm.
Một điều lưu ý nữa đối với điều khoản phạt vi phạm, đó là khi không thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm thì khi giải quyết tranh chấp, các bên sẽ không có cơ sở yêu cầu khoản phạt vi phạm.
Bất khả kháng là sự kiện pháp lý xảy ra ngoài ý chí chủ quan của các bên, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện hợp đồng. Các sự kiện bất khả kháng đó có thể là các thiên tai, bão, lũ, chiến tranh, đình công...Khi một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng thì pháp luật không buộc phải chịu trách nhiệm về tài sản (không bị phạt vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại).
Tuy nhiên, cần xác định rõ ràng về bất khả kháng để tránh trường hợp bên vi phạm lợi dụng điều khoản bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm, viện dẫn lý do chậm trễ thực hiện hợp đồng, bằng cách định nghĩa cụ thể sự kiện bất khả kháng là gì? và trách nhiệm thông báo cho bên còn lại khi gặp sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh nguyên nhân vi phạm hợp đồng là do gặp sự kiện bất khả kháng, thậm chí cả trách nhiệm/nghĩa vụ ngăn chặn/hạn chế thiệt hại của các bên trong trường hợp bất khả kháng.
Giải quyết tranh chấp
Điều khoản giải quyết tranh chấp là rất cần thiết trong quá trình giao kết hợp đồng. Việc thỏa thuận vào điều khoản giải quyết tranh chấp phải phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện của hai bên.
Điều khoản giải quyết tranh chấp thường bao gồm các nội dung: Cơ quan được lựa chọn giải quyết tranh chấp, pháp luật nội dung được áp dụng giải quyết tranh chấp, quy định tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp...
Đối với trường hợp lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ xác định pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp (phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án thường được lựa chọn để giải quyết các hợp đồng thương mại trong nước).
Đối với trường hợp lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp, các bên có thể lựa chọn pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng các bên trước hết cần ghi đầy đủ, chính xác thông tin về trung tâm trọng tài, hoặc theo quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp do trung tâm trọng tài quy định, bởi vì điều khoản trọng tài rất có khả năng bị vô hiệu nếu không tuân thủ các quy định pháp luật trọng tài. Phương thức trọng tài thường được lựa chọn để giải quyết các hợp đồng thương mại quốc tế, có yếu tố nước ngoài.
Luật gia Nguyễn Liên - Phòng Dân sự - Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận