Hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại là hai khái niệm chung chỉ hợp đồng được giao kết trong lĩnh vực kinh tế hoặc thương mại, giữa các chủ thể là thương nhân vì mục đích thương mại.
Hợp đồng kinh tế là tên gọi hay được các doanh nghiệp sử dụng trong giao kết hợp đồng. Tên gọi này bắt nguồn từ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế của Hội đồng nhà nước số 24-LCT/HĐNN8 ngày 25/09/1989. Hiện nay, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực, nhưng vì thói quen thuật ngữ này sử dụng khá phổ biến.
Hợp đồng thương mại, như đã biết, chưa có một văn bản pháp luật chính thức nào định nghĩa, giải thích rõ ràng, tuy nhiên khái niệm này lại được lặp đi lặp lại và sử dụng rất phổ biến trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp ký kết hợp đồng chủ yếu dựa vào Bộ luật Dân sự năm 2015 (đã có hiệu lực từ 01/01/2017), Luật Thương mại năm 2005, hoặc văn bản pháp luật chuyên ngành.
Doanh nghiệp nên sử dụng tên gọi gì khi giao kết hợp đồng?
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế hiện đã hết hiệu lực, trong các văn bản pháp luật hiện hành không tồn tại bất cứ văn bản pháp luật nào quy định về hợp đồng kinh tế, tuy nhiên việc Doanh nghiệp sử dụng tên Hợp đồng kinh tế trong văn bản thỏa thuận của mình cũng không trái với quy định pháp luật, tuy nhiên chúng tôi khuyến nghị Doanh nghiệp nên sử dụng tên gọi phù hợp với nội dung hợp đồng, đối tượng của hợp đồng; sử dụng các tên gọi đã được quy định trong pháp luật hiện hành, ví dụ:
(i) Hợp đồng mua bán hàng hóa (Điều 24 Luật Thương mại năm 2005) có thể dùng trong hoạt động mua-bán của doanh nghiệp và đối tượng của hợp đồng là hàng hóa;
(ii) Hợp đồng dịch vụ/ hoặc Hợp đồng cung ứng dịch vụ (Điều 74 Luật Thương mại năm 2005;) đối với trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho khách hàng (khách hàng có thể là cá nhân/pháp nhân/tổ chức);
(iii) Hợp đồng đầu tư;
(iv) Hợp đồng xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng các tên gọi gắn liền chi tiết với đối tượng hợp đồng:
(i) Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại (Điều 110 Luật Thương mại năm 2005); (ii) Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ (Điều 124 Luật Thương mại năm 2005); (iii) Hợp đồng dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (Điều 140 Luật Thương mại năm 2005); (iv) Hợp đồng đại diện cho thương nhân (Điều 142 Luật Thương mại năm 2005); (v) Hợp đồng uỷ thác ((Điều 159 Luật Thương mại năm 2005); (vi) Hợp đồng đại lý (Điều 168 Luật Thương mại năm 2005); (vii) Hợp đồng gia công (Điều 179 Luật Thương mại năm 2005); (viii) Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá (Điều 193 Luật Thương mại năm 2005); (ix) Hợp đồng dịch vụ quá cảnh (Điều 251 Luật Thương mại năm 2005); (x) Hợp đồng cho thuê hàng hoá (Điều 274 Luật Thương mại năm 2005); (xi) Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 285 Luật Thương mại năm 2005); (xii) Hợp đồng vận chuyển; (xiii) Các loại hợp đồng khác.
Ngoài ra, một số lĩnh vực chuyên ngành còn có những loại hợp đồng khác: như hợp đồng xây dựng theo Luật Xây dựng, Hợp đồng dịch vụ pháp lý theo Luật Luật sư, Hợp đồng đại lý thuế...
Việc xác định căn cứ trong Hợp đồng tác động như thế nào đến quá trình thực hiện hợp đồng?
Việc các bên xác định căn cứ trong Hợp đồng sẽ là cơ sở để các bên căn cứ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp xác định sai căn cứ, hoặc căn cứ các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực (ví như trường hợp hiện tại vẫn nhiều Doanh nghiệp căn cứ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự năm 2005), khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ không căn cứ vào các văn bản pháp luật mà các bên đã ghi trong phần căn cứ, mà sẽ áp dụng đúng các quy định pháp luật tại thời điểm đó; tuy nhiên việc xác định sai căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp áp dụng các điều khoản, các thỏa thuận không phù hợp với pháp luật hiện hành, dẫn đến hiểu lầm, rủi ro và thiệt hại. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xác định đúng, đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, đối tượng của hợp đồng để tránh những rủi ro do thiếu hiểu biết, chậm cập nhật các quy định pháp luật mới.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm hơn 90% trong tổng số Doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên chính những đơn vị này là những chủ thể không được tư vấn cụ thể, đầy đủ và toàn diện về các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng. Việc xây dựng một phòng ban pháp chế riêng là một gánh nặng đối với quỹ tài chính của Doanh nghiệp, tuy nhiên việc kiêm nhiệm các chức năng hành chính – pháp lý hay kế toán kiêm người rà soát, soạn thảo hợp đồng thực sự là rủi ro mà doanh nghiệp chưa lường trước được.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi, Doanh nghiệp cần tự trang bị những kiến thức về hợp đồng, đồng thời chủ động sử dụng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp về pháp luật để phòng, tránh đồng thời có những biện pháp giải quyết các tranh chấp nảy sinh một cách phù hợp quy định của pháp luật.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận