Người lập di chúc có quyền định đoạt phần tài sản của mình mà không cần sự đồng ý của bất kỳ thành viên nào trong gia đình.
Hỏi: Bác em 86 tuổi, độc thân. Ông hiện có căn nhà đang nhờ người bà con làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất. Ông có ký một văn bản thoả thuận được văn phòng thừa phát lại chứng nhận việc đồng ý cắt một phần đất cho người làm giấy tờ này sau khi người này làm xong sổ hồngDo tuổi cao ông có ý định lập uỷ quyền và di chúc cho em định đoạt căn nhà này. Hiện căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền do chưa có lối đi. Trước đây, lối đi vào nhà này là thông qua căn nhà phía trước do ba em đứng tên trên sổ hồng dùm bác em hiện phải bán để trả nợ của bác cho người khác theo thoả thuận đã được toà án chấp thuận.Xin hỏi luật sư là:Căn nhà phía sau chưa có chủ quyền thì bác em có lập di chúc hay uỷ quyền công chứng cho em được không ? Bác em đã già yếu lại không tự viết được. Nếu không thể ký công chứng được thì nên làm thế nào.Văn bản thoả thuận ký cho người làm giấy tờ được văn phòng thừa phát lại chứng nhận có giá trị pháp lý tranh chấp đòi phần quyền sỡ hữu không khi thời điểm ký văn bản là nhà chưa có sổ hồng. (Hoàng Quân - Bắc Ninh)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khoản 1 điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định:"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;b) Đất không có tranh chấp;c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;d) Trong thời hạn sử dụng đất".
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì khi muốn để lại di chúc chia thừa kế là đất đai thì người để lại di chúc sẽ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp để có đủ điều kiện để lại thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều 656 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về di chúc có người làm chứng như sau:"Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc".
Như vậy, theo quy định này thì nếu ông bạn không thể tự mình viết được bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Ông bạn sẽ phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt người làm chứng và những người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của ông bạn và ký vào bản di chúc.
Như vậy, theo quy định này thì nếu người lập di chúc không thể ký thì có thể điểm chỉ vào di chúc.
Điều 658 khoản 2 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định:"2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng".
Như vậy, trong trường hợp mà ông không thể đọc được hoặc không thể nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này sẽ ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng viên và công chứng viên người có thẩm quyền chứng thực phải chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Khoản 1 điều 56 Luật công chứng chứng thực quy định:"1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc".
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì ông bạn phải tự mình yêu cầu công chứng mà không thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng hộ.
Điều 581 Bộ Luật dân sự có quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:"Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định".
Điều 586 Bộ Luật dân sự 2005 quy định:"Bên uỷ quyền có các nghĩa vụ sau đây:1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được uỷ quyền thực hiện công việc;2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền;3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền và trả thù lao cho bên được uỷ quyền, nếu có thoả thuận về việc trả thù lao".
Như vậy, nếu hai bên đã có hợp đồng thỏa thuận về việc ủy quyền cho Người họ hàng làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người này khi đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì nếu hai bên có thỏa thuận về việc trả thù lao thì bên ủy quyền sẽ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận