-->

Mang tài sản thuộc sở hữu của người khác đi cầm cố, xử lý thế nào?

Bạn có thể bị xử phạt hành chính với hình phạt tiền từ 2 triệu tới 5 triệu cho hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ.

Hỏi: Bạn của tôi đem một chiếc xe otô tới nhà tôi gửi. Hai ngày sau anh ấy có nói với tôi là nhờ tôi đem chiếc xe đó ra tiệm cầm đồ cắm cho anh ấy để lấy tiền giải quyết việc riêng và tôi cũng đem đi cắm lấy 30 triệu rồi tôi gửi hết số tiền cho anh ấy. Thưa luật sư như vậy theo quy định của pháp luật thì tôi có có phải là người phải chịu nghĩa vụ về số tiền đó với chủ tiệm cầm đồ không ạ? (Vũ Hải An - Hà Nam).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Tổ tư vấn pháp luật dân sự của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Về trách nhiệm của bạn với số tiền vay của chủ tiệm cầm đồ.

Mang xe ô tô ra hiệu cầm đồ để lấy sô tiền 30 triệu là giao dịch cầm cố theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Dân sự 2005: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự".

Giao dịch cẩm cố phát sinh khi bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố. Tuy nhiên, bạn đã giao tài sản không thuộc sở hữu của mình (bạn không đứng tên trong giấy tờ xe) cho bên nhận cầm cố mà không có hợp đồng ủy quyền nên giao dịch cầm cố trong trường hợp này là không đúng pháp luật.

Như vậy, giao dịch cầm cố giữa bạn và bên nhận cầm đồ vô hiệu. Khi có tranh chấp xảy ra, thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (bạn phải hoàn trả số tiền đã vay với bên nhận cầm cố).

Về việc xử phạt với hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu người khác không có giấy ủy quyền.

Bạn của bạn nhờ bạn đi cầm xe ô tô và đã nhận lại số tiền từ bạn sau khi cầm, vậy nên hành vi của bạn không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc bạn của bạn nhờ đi cầm cố chỉ được thực hiện bằng lời nói, không có giấy ủy quyền hợp lệ. Vậy nên, hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho bạn đi cầm cố bị xử lý theo quy định điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
"e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;"

Như vậy, bạn có thể bị xử phạt hành chính với hình phạt tiền từ 2 triệu tới 5 triệu cho hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật dân sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.