Trách nhiệm lập phương án sử dụng lao động, tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người sử dụng lao động trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp
Hỏi: Công ty tôi được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV C năm 2009. Trước đây công ty tôi là đơn vị trực thuộc công ty TNHH MTV C, giờ công ty tôi là Công ty cổ phần D. Cho tôi hỏi: Nhân viên hiện tại chuyển từ nhà máy nước D – Công ty TNHH MTV C khi thực hiện cổ phần hóa khi xin thôi việc thì trợ cấp thôi việc thế nào? Cổ đông bên công ty cổ phần cấp nước D họ nói chỉ trả trợ cấp 1 năm làm việc 1/2 tháng lương cơ bản và kể từ trước khi có BHTN (2009). Vậy trợ cấp thôi việc cho nhân viên này là của Công ty TNHH MTV C chứ không phải của công ty D. Cho hỏi như vậy có đúng không và trên quy định nào của luật lao động hiện hành. (Anh Thư - Hà Nội)
Trước hết, cổ phần hoá là một giải pháp cơ cấu lại (tổ chức lại ) hệ thống các doanh nghiệp hiện giữ 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước tức là chuyển một bộ phận doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp (công ty) cổ phần. Như vậy, việc cổ phần hóa sẽ dẫn tới chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 15, Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ:
“Trách nhiệm lập phương án sử dụng lao động, tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người sử dụng lao động trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp
1. Trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trước đó có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động.
2. Người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động theo phương án sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tính trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động.
3. Người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian tại doanh nghiệp sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản theo phương án sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều này, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, kể cả thời gian làm việc tại khu vực nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 01 tháng 01 năm 1995”.
Trong trường hợp của bạn, người lao động sau khi chuyển từ nhà máy nước - công ty TNHH C khi thực hiện cổ phần hóa thì công ty cổ phần D mà xin thôi việc thì theo quy định tại khoản 3 nêu trên người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản. Như vậy, công ty cổ phần D có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho những người lao động đó.
Còn về mức hưởng và thời gian hưởng cụ thể, theo Điều 48 BLLĐ năm 2012: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.
Theo quy định trên thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của những nhân viên đó là tổng thời gian họ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian họ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Mà Luật Bảo hiểm xã hội về TCTN có hiệu lực từ 01/01/2009 do đó, công ty cổ phần D chỉ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho nhân viêntheo thời gian họ làm việc tính đến 01/01/2009, mỗi năm làm việc được hưởng một nửa tháng tiền lương. Từ 01/01/2009 trở đi, Bảo hiểm xã hội sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp cho những nhân viên đó nếu bạn thỏa mãn các điều kiện hưởng.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận