Công ty Luật TNHH Everest tư vấn thời gian làm việc vào ngày nghỉ của người lao động.
Hỏi: Anh em làm việc 12h/ngày không có ngày nghỉ hằng tuần (trừ trường hợp yêu cầu được nghỉ mới cho nghỉ). Công việc của anh là bảo vệ làm việc theo dạng cho thuê lại lao động. Tiền lương trong hợp đồng lao động em thấy lương bỏ trống nên hiện tại vẫn chưa kí. Bên công ty chỉ nói là tiền lương là 2.800.000 đến 4.000.000.Theo em nghĩ nếu 2.800.000 là rất ép lương. Cách nghĩ của em vậy là đúng không? Và cách tính tiền lương để không bị mất quyền lợi cụ thể như thế nào? Luật sư tư vấn giúp em với. Anh em làm ở vùng 2 nên mức lương tối thiểu vùng đã là 2.750.000 và làm 12 tiếng là đã làm thêm 4 tiếng so với quy định làm việc 8 tiếng/ngày đối với lao động bình thường. (Vũ Minh - Hải Dương)Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Về thời gian nghỉ ngơi hàng tuần, khoản 1, Điều 110 Bộ Luật Lao động 2012 (BLLĐ 2012) quy định:
“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày".
Anh của bạn phải làm việc 12h/ngày không có ngày nghỉ hằng tuần là trái với quy định của BLLĐ 2012. Anh của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu được nghỉ 24h/tuần theo quy định của pháp luật. Đây là quy định của pháp luật về thời gian “nghỉ hàng tuần” dành cho người lao động thế nên anh của bạn vẫn được tính lương ngày nghỉ đó.
Về mức lương: Nghị định 122/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 quy định mức lương tối thiểu của vùng II (vùng mà anh của bạn đang làm việc) là 3.100.000 đồng/tháng (mức 2.750.000 đồng/tháng mà bạn đề cập là mức lương tối thiểu vùng của năm 2015). Vì thế, ở thời điểm này, anh của bạn sẽ phải thỏa thuận với công ty về việc thay đổi mức lương cho phù hợp với quy định mới của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng.
Khoản 1, khoản 2 Điều 104 BLLĐ 2012 về “Thời giời làm việc bình thường” quy định:
“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.”
Anh bạn phải làm 12h/ngày được xếp vào trường hợp làm thêm giờ, việc này phải được sự đồng ý của người lao động, chính là anh của bạn chứ công ty không có quyền ép buộc. Nếu anh bạn làm thêm giờ thì sẽ được trả lương cao hơn theo quy định tại Điều 97 BLLĐ 2012, cụ thể:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Như vậy, sẽ tùy thuộc vào việc anh của bạn làm thêm bao nhiêu giờ, ban ngày hay ban đêm và làm vào ngày thường hay ngày nghỉ hàng tuần để tính mức lương làm thêm giờ cụ thể.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận