Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này...
Hỏi: Tôi hiện tại đang sinh sống ở ĐN, tôi có góp số vốn 300 triệu đồng để thành lập Công ty TNHH có 4 thành viên với số vốn ban đầu là 1 tỷ 800 triệu đồng, đến nay đã được 3 năm với mục đích kinh doanh chính là Bar-cafe. Kể từ khi thành lập đến nay, gần như các giấy tờ về chi phí xây dựng, chi phí hoạt động cũng như các khoản vay ngoài hoàn tòan chúng tôi không được chứng minh cụ thể bằng giấy tờ, văn bản pháp lý nào cả. Mọi việc từ hoạt động kinh doanh, đầu tư để được Chủ tịch HĐTV tự quyết định mà không hề thông qua. Suốt từ quá trình bắt đầu hoạt động kinh doanh đến nay, Chủ tịch HĐTV liên tục thông báo đến tôi và các thành viên liên quan là Công ty kinh doanh hoạt động thua lỗ, thậm chí đến nay số tiền nợ đã ngang bằng với số tiền tổng vốn góp ban đầu của các thành viên.Tài sản kinh doanh chính của Cty là 1 quán Bar-cafe, và hiện tại Chủ tịch HĐTV đang có ý định sẽ sang nhượng hết quán này chỉ để trả các khoản nợ. Nếu như vậy số tiền mà tôi cũng như các thành viên khác góp vốn gần như bị mất trắng. Khi chúng tôi yêu cầu cung cấp chi phí vốn xây dựng đầu tư ban đầu (có chi tiết cụ thể cũng như các hóa đơn hàng hóa vật liệu để xây dựng ) cũng như các khoản nợ và báo cáo hoạt động kinh doanh hằng tháng thì liên tục bị từ chối vì những lí do này hay lí do khác, thậm chí nếu có cung cấp cũng rất mật mờ (chỉ là những con số tổng chứ không hề có chứng từ gì cả). Vậy xin nhờ Luật sư có thể tư vấn giúp có cách nào để tôi có thể rút lại số vốn góp của mình hay không? Và tôi cần những thủ tục gì để giải quyết? (Đức Tuấn - Đà Nẵng)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quyđịnh của Luật Doanh nghiệp 2014, chúng tôi xác định doanh nghiệp của anh thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Với loại hình công ty này, pháp luật quyđịnh nghĩa vụ của thành viên như sau:
"Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này"
Với trường hợp của anh, vì anh không muốn tiếp tục góp vốn vào công ty, anh có thể tiến hành rút vốn theo một trong các trường hợp sau theo quyđịnh của Luật Doanh nghiệp 2014:
Trường hợp 1: Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
2. Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
3. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Trường hợp 2:tiến hành chuyển nhượng phần vốn góp
Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
Với các khoản thu và chi của doanh nghiệp, bạn có quyền yêu cầu chủ tịch hội đồng thành viên cung cấp các chứng từ, tài liệu chứng minh. Nếu không có các giấy tờ chứng minh các giao dịch do công ty thực hiện dẫn đến có các khoản nợ,chủ tịch hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ của công ty với tư cách cá nhân.
Về vấn đề hành vi này có cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Theo quyđịnh của bộ luật hình sự 1999, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quyđịnh như sau:"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".Như vậy, để xác định có thủ đoạn gian dối hay không cần căn cứ vào các sổ sách, hóa đơn thực tế. Vì vậy, với những tình tiết bạn cung cấp, hành vi này chưa thể xác định là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận