-->

Luật sư tư vấn: công ty không phân công đúng công việc cho người lao động

Công ty Luật TNHH Everest tư vấn trường hợp công ty không phân công đúng công việc cho người lao động.

Hỏi: Em đang làm việc tại 1 phòng khám tư nhân ở Bắc Ninh. Lúc thỏa thuận là em về làm máy chụp CLVT, bao ăn ở, làm hợp đồng 3 năm, đóng bảo hiểm đàng hoàng, lương 4tr/th, nhưng lúc đấy máy CLVT chưa lắp, thế là người ta bảo em đi học thêm về chụp CLVT ở BệnhviệnĐa khoa HD, bảo em đi học thì trợ cấp tiền ăn ở. Nhưng lúc em đi học thì chỉ đưa có 2 triệu em đi học hơn 1 tháng, em đi học chỉ dựa vào mối quan hệ của ông chủ phòng khám. Lúc em đi học về thì mãi 1 thời gian sau khoảng 3 tuần) mới lắp máy chụp CLVT, nhưng lắp xong thì máy lại không hoạt động được. Thế là lại bảo em làm máy chụp Xquang, sau đó lấy lý do là em chưa làm máy chụp CLVT nên trả lương em có 3tr/th, mà đến bây giờ là hơn nửa năm rồi, em vẫn làm máy chụp Xquang (làm cái này độc hại hơn làm máy chụp CLVT kia), không làm hợp đồng, không đóng bảo hiểm cho em. Lúc nhận em về làm thì bắt em phải nộp lại bằng tốt nghiệp. Ngày 12/11 vừa qua em có xin nghỉ việc nhưng người ta không đồng ý cho em nghỉ việc. Em xin hỏi luật sư là bây giờ em nghỉ việc như thế có trái pháp luật không? (Nguyễn Hoa - Bắc Ninh)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc người sử dụng lao động (chủ phòng khám) không ký hợp đồng lao động:

Theo điều 16 Bộ luật lao động 2012 thì hình thức hợp đồng lao động được quy định như sau:

"Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động:1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói."

Như vậy, công việc của bạn là hợp đồng có thời hạn 3 năm nên hình thức của hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản, mà theo như thông tin bạn trình bày thì hai bên chưa ký kết hợp đồng mà mới chỉ thỏa thuận với nhau về thời gian làm việc và mức lương cho nên hợp đồng này giữa bạn và người sử dụng lao động là hợp đồng miệng. Nhưng vì hợp đồng này bắt buộc phải ký bằng văn bản mà hai bên không ký kết thì bạn có thể sẽ phải chịu thiệt thòi khi phía phòng khám thay đổi các mức lương cho bạn và bạn không có căn cứ gì để chứng minh hợp đồng lao động của mình là hợp pháp cả. Việc không ký kết hợp đồng bằng văn bản của phòng khám với người lao động là hành vi vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo điều 18 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động:1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động."

Khi người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 điều 5 như sau:

"1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."

- Thứ hai, đối với việc không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động:

Theo điểm a khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hôi là:

"1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;"

Vậy, trường hợp của bạn bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Theo khoản 1 điều 134 Luật BHXH 2006 thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Và hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3 điều 28 như sau:

"3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;"

- Thứ ba, đối với viêc giữ bằng đại học gốc của bạn:

Theo khoản 1 điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động không có quyền giữ bản chính bằng đại học của người lao động:

"Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động."

Và hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 điều 5 như sau:

"2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;"

Và biện pháp khắc phục hậu quả là:

"a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;"

- Thứ tư, để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp:

Vì hợp đồng chưa được ký kết và bạn đã làm việc được 1 năm nhưng là hợp đồng xác đinh thời hạn thì bạn có thể áp dụng quy định theo điều 37 Bộ luật lao động 2012 để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng trình tự pháp luật quy định.

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

Bạn chỉ cần viết đơn xin nghỉ việc với một trong các lý do nêu trên và phải đảm bảo thời gian báo trước 30 ngày, hết thời hạn 30 ngày nếu phòng khám không đồng ý cho bạn nghỉ việc thì bạn vẫn có thể tự nghỉ việc mà không trái pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi cho mình khi phòng khám không ký kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, giữ giấy tờ là bằng đại học gốc của người lao động thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến Phòng lao động thương binh xã hội nơi đặt trụ sở của đơn vị để được giải quyết qua hòa giải. Nếu qua quá trình hòa giải tại cơ quan có thẩm quyền không thành, bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.